Saturday, September 3, 2011

Mối liên hệ giữa Nhà sư và Phật tử

Ngay khi còn tại thế, đức Phật đã xác lập vai trò của bốn chúng hay gọn hơn là hai chúng gồm xuất gia và tại gia. Chúng xuất gia (thường gọi là nhà sư) và chúng tại gia (thường gọi là Phật tử) được ví như đôi cánh không thể thiếu để nhấc đạo Phật bay lên, tiến lên, lan rộng ra vì sự lợi ích của số đông. Nếu một trong hai giới (chúng) bất an hay không có sự phối hợp nhịp nhàng và hỗ trợ nhau thì Phật giáo khó có thể vững mạnh và lan tỏa rộng khắp. Do vậy, xây dựng mối liên hệ tốt đẹp giữa hai giới ắt hẳn là điều những người con Phật chân chánh mong muốn và ủng hộ. Mối liên hệ ấy sẽ bền vững khi nó dựa trên những nguyên tắc Phật dạy và thích nghi với điều kiện văn hóa địa phương cụ thể.

Vai trò và bổn phận

Những nguyên tắc Phật chế về vai trò và bổn phận của mỗi giới được đề cập trong các bản kinh. Đối với hàng xuất gia hay nhà sư, vai trò của các vị ấy là hành trì lời Phật dạy để trở thành bậc đạo sư hướng dẫn Phật tử đi đúng con đường chân chánh. Để làm tốt vai trò ấy, nhà sư phải không ngừng trau dồi trí tuệ thông qua văn, tư, tu (tức nghe hay đọc rồi tư duy đúng đắn để áp dụng vào cuộc sống) và giới, định, tuệ (tức giữ giới, phát nguyện làm điều thiện, tu tập thiền định còn gọi là huấn luyện tâm thuần thục và phát triển trí tuệ); đồng thời, vun bồi phước đức thông qua việc dấn thân từ lời nói đến việc làm vì lợi ích cho tha nhân. Nhà sư thực hành hai đức tính trên một cách trọn vẹn thì xứng đáng là bậc đáng cung kính và nương theo.

Với hàng tại gia hay Phật tử, vai trò của các vị ấy là bảo vệ Phật pháp bằng cách hỗ trợ các nhà sư thông qua việc cúng dường thực phẩm; đồng thời, can ngăn hay không ủng hộ các nhà sư không hành đúng chánh pháp. Thực hiện vai trò ấy, Phật tử phải siêng năng trong công việc để tạo ra của cải vật chất nhằm xây dựng cuộc sống gia đình ổn định, hạnh phúc và để thực hành cúng dường, bố thí. Ngoài bổn phận tự thân hộ trì, Phật tử còn phải tu tập và hướng các thành viên trong gia đình đi theo con đường chánh pháp, tạo nền tảng đạo đức vững chắc trong gia đình và cộng đồng.

Như vậy, vai trò và bổn phận của hàng xuất gia và tại gia được phân định rõ ràng, nhất là hàng xuất gia. Đức Phật chưa từng chủ trương hàng xuất gia trực tiếp hay gián tiếp làm ra của cải vật chất hay nói cách khác là làm kinh tế. Ngài chỉ khuyến khích các nhà sư trau dồi giới đức thông qua việc tu tập thiền định, phát triển đời sống giải thoát để trở thành bậc đạo sư tâm linh thực thụ, đáng được cung kính. Đời sống của đức Phật và thánh chúng thời Phật là sự minh chứng cho chủ trương này.

Theo dòng lịch sử, tuy có sự thay đổi về phương cách sinh hoạt của nhà sư do điều kiện lịch sử và phong tục tập quán địa phương khác nhau nhưng chủ trương của đức Phật vẫn là kim chỉ nam có giá trị. Điều đó có nghĩa là một khi nhà sư chưa phải là một bồ tát hay thánh tăng thực thụ thì vấn đề trực tiếp làm kinh tế dù với mục đích thiện vẫn là một thách thức lớn cho việc tu tập ‘vô ngã’, và nói theo thế gian là ‘lợi bất cập hại’. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng nếu nhà sư gián tiếp làm kinh tế thông qua vai trò cố vấn hay bậc thầy tư vấn cho hàng Phật tử thực hiện thì không phải là không chấp nhận được. Trong trường hợp như thế, hàng Phật tử cũng vẫn là người trực tiếp làm ra của cải và đóng vai trò quyết định đời sống vật chất của nhà sư. Nói cách khác, nhà sư hoàn toàn phụ thuộc vào hàng Phật tử về đời sống vật chất.

Việc xác định như thế có nhiều ý nghĩa và một trong những ý nghĩa quan trọng là buộc nhà sư phải luôn tiếp cận với Phật tử. Khi mà sự liên hệ với Phật tử được xem hay thực chất là sự sống còn của nhà sư thì nhà sư sẽ phải tinh tấn để làm tròn vai trò của mình.

Mối liên hệ giữa nhà sư và Phật tử

Có thể nói hình ảnh tăng đoàn đi khất thực hàng ngày, được đức Phật xác định là truyền thống ba đời của chư Phật, là một biểu tượng đẹp và cũng là biểu hiện dễ nhận thấy về sự liên hệ giữa nhà sư và Phật tử. Các nhà sư hàng ngày phải tiếp xúc với Phật tử để nhận phẩm vật cúng dường và chú nguyện cầu phước cho gia đình họ. Ngược lại, Phật tử phải chuẩn bị tâm thế tiếp đón nhà sư bằng việc chuẩn bị sẵn vật thực với lòng hoan hỉ và đầy trách nhiệm. Nói hoan hỉ và trách nhiệm bởi đây là việc làm tự nguyện, phát tâm và ý thức được giá trị cao đẹp của nó chứ không phải là sự ép buộc. Mối liên hệ này vẫn được duy trì ở các nước nam truyền.

Hình ảnh nhà sư khất thực và hình ảnh Phật tử dâng phẩm vật cúng dường đã trở thành nét văn hóa Phật giáo nam truyền. Nét văn hóa ấy phản ảnh sự gắn bó và hỗ tương giữa hai chúng. Chính sự gắn bó mật thiết này đã tạo nên sự ổn định trong cộng đồng Phật giáo nam truyền và cũng là biện pháp hữu hiệu nhất bảo vệ và phát triển cộng đồng Phật tử trước sự xâm nhập của các hình thái tôn giáo khác.

Bên cạnh sự liên hệ trực tiếp giữa nhà sư và Phật tử thông qua hình thức khất thực, họ còn sinh hoạt với nhau nơi ngôi chùa và thi thoảng tại tư gia. Ngôi chùa vừa là nơi nhà sư hướng dẫn Phật tử tu tập tâm linh, đạo đức; vừa là nơi diễn ra các lễ hội, nghi lễ cúng bái, đặc biệt là các lễ cầu phước và tang ma. Các nhu cầu này đã trở thành truyền thống không thể thiếu trong cuộc đời người Phật tử nên họ gắn bó với ngôi chùa, với các nhà sư một cách tự nhiên. Một khi đạo đức và văn hóa Phật giáo trở thành một phần cuộc sống không thể thiếu của người dân, hay nói rộng hơn, trở thành văn hóa dân tộc thì mối liên hệ hữu cơ giữa nhà sư và Phật tử được củng cố và có điều kiện phát triển bền vững. Sự lợi lạc của nó có thể nhìn thấy qua đời sống bình an của dân chúng. Đây là một bài học đáng lưu tâm.

Không như các nhà sư nam truyền, nhà sư thuộc Phật giáo bắc truyền do thích ứng với văn hóa bản địa nên không thể theo truyền thống khất thực và do đó, họ thiết lập mối liên hệ với Phật tử bằng những con đường mới. Để Phật tử đến chùa, các nhà sư phải đáp ứng những nhu cầu tu tập tâm linh và tín ngưỡng của Phật tử. Ngôi chùa – nơi các nhà sư ở trở thành trung tâm sinh hoạt vừa văn hóa, giáo dục, giải trí; vừa là nơi lễ bái, tín ngưỡng cầu nguyện.

Tuy nhiên, các vai trò văn hóa, giáo dục từng là thế mạnh của nhà chùa xem ra không còn phát huy hiệu quả do quá trình xã hội hóa và do tổ chức nhà chùa yếu kém. Điều mà nhà sư có thể và nên phát huy thế mạnh của mình là giáo dục đạo đức thông qua lời Phật dạy và đặc biệt là chính thân giáo của các nhà sư. Đây là yếu tố quan trọng tạo cơ duyên để nhà sư và Phật tử liên hệ, hỗ trợ lẫu nhau một cách chính đáng.

Ngược lại, các vai trò phục vụ tín ngưỡng, nghi lễ là phượng tiện lại trở nên thịnh hành nơi các ngôi chùa ở xứ Á đông. Đa số Phật tử ngày nay đến chùa và liên hệ với nhà sư đều có liên quan đến mục đích phục vụ nhu cầu này. Nhà sư dù muốn hay không cũng phải đáp ứng nhu cầu ấy trước khi nghĩ đến vấn đề chính là hướng dẫn tu tập tâm linh. Bằng sự thích nghi này, nhà sư và Phật tử có thể tạo mối liên hệ và hỗ tương nhau trong cuộc sống hằng ngày.

Từ sự khát quát trên, ta thấy rằng chủ yếu mối liên hệ giữa nhà sư và Phật tử hiện nay là dựa trên nhu cầu tu tập đạo đức, phước báo và lễ nghi, tín ngưỡng. Trong đó, nhu cầu cầu nguyện phước báo, tín ngưỡng trở nên phổ biến hơn hết. Do vậy, việc tìm các giải pháp thích hợp để làm mới, làm mạnh sinh hoạt Phật giáo để tạo sự liên hệ giữa nhà sư và Phật tử gần gũi hơn, gắn bó hơn là nỗi ưu tư chung của những người con Phật. Nhân đây, người viết đưa ra một số ý đề nghị để tham khảo như sau:

Tiếp tục củng cố vai trò của nhà sư và Phật tử như đã trình bày

Ngôi chùa và nhà sư cần thay đổi cách quản lý sinh hoạt cho hiệu quả, tránh tình trạng thao túng cá nhân, mạnh ai nấy sống.

Ngôi chùa nên hoạt động như là trung gian điều phối các vấn đề như từ thiện (tiếp nhận tài vật và chia sẻ cho người nghèo thiếu), giới thiệu công việc cho Phật tử (trong cộng đồng Phật tử nên tạo công việc cho nhau thông qua kênh tư vấn, giới thiệu là ngôi chùa), làm công tác hòa giải các bất hòa trong cộng đồng Phật tử, là nơi chia sẻ và an ủi những mất mát của Phật tử, và đặc biệt là nơi tạo điều kiện cho con em Phật tử học tập. Ngôi chùa và nhà sư chỉ cần làm một trong những này là đã xây dựng mối liên hệ trên rồi.

Tạo mối sự gắn bó giữa nhà sư và Phật tử thông qua các hình thức xây dựng cộng đồng Phật tử vững mạnh (mỗi ngôi chùa phải có một cộng đồng Phật tử ổn định), tổ chức sinh hoạt cộng đồng Phật tử thường niên, phân chia khu vực để thường xuyên quan tâm thăm hỏi và hỗ trợ lẫn nhau khi trong cộng đồng Phật tử có hữu sự.

Sự phát triển bền vững của một ngôi chùa (cơ sở Phật giáo) có thể được đánh giá qua mối liên hệ giữa nhà sư và Phật tử. Khi mối liên hệ ấy mạnh thì ngôi chùa sẽ mạnh, và do đó Phật giáo thịnh. Ngược lại, mọi người đều hiểu.

No comments:

Post a Comment