Tuesday, April 10, 2012

Chân lý nào có dễ theo?!


Con người được tôn vinh là động vật bậc cao nhất bởi con người có trí tuệ. Nhờ trí tuệ mà những phát minh khoa học ra đời và đỉnh cao của nó là chân lý. Thế nhưng một điều nghịch lý là chân lý dù rất hy hữu có người tìm thấy nhưng khi nó được tìm thấy và công bố rộng rãi, nó vẫn không dễ gì được nhìn nhận và đi theo. Nguyên nhân vì sao lại có sự nghịch lý? Do con người không đủ trí tuệ để nhận ra nó hay do yếu tố tập quán, siêu hình nào đó thống trị trí tuệ đến nỗi phớt lờ chân lý. Hãy đọc và chiêm nghiệm những chuyện đang diễn ra khắp đông tây, lời giải phần nào sẽ hiển lộ.
Chuyện nơi đất Phật
Ngày nay, trong các tôn giáo lớn trên thế giới thì chỉ có Phật giáo được Liên hiệp quốc công nhận là tôn giáo có đóng góp to lớn nhất cho nhân loại về trí tuệ, từ bi, hòa bình…. Tôn giáo ấy do đức Phật Thích Ca Mâu Ni – người con thân yêu của Ấn Độ sáng lập ra. Công trình Phật khám phá và công bố cho nhân loại về bốn sự thật, về mối quan hệ tương liên (duyên khởi), về nhân quả… mãi mãi là chân lý dù con người có nhìn nhận hay không. Lẽ ra, người dân Ấn phải rất tự hào về đức Phật – người đồng hương thân yêu vì sự đóng góp vĩ đại của Ngài. Lẽ ra, người Ấn Độ phải biết tôn trọng và giữ gìn di sản chân lý do chính tiền bối vĩ đại của mình khám phá và cống hiến.
Vậy mà, điều nghịch lý đã xảy ra. Người Ấn vẫn thích cầu nguyện thần linh và rửa tội nơi các dòng sông được cho là linh thiêng mấy ngàn năm qua cho đến bây giờ, bất cần chân lý nhân quả đức Phật đưa ra và chứng minh bằng thực nghiệm. Đáng buồn hơn, tôn giáo thực hành theo chân lý ấy bị đánh bậc khỏi mảnh đất linh thiêng – nơi sản sinh ra con người vĩ đại của nhân loại từ thế kỷ thứ 13 bởi những thế lực đối lập thần quyền và thế quyền. Cho đến hiện tại, trải qua hơn 600 năm vắng bóng và chỉ mới được thắp sáng lại từ thế kỷ 19, chân lý một thời lừng danh nơi đất Ấn và hiện tại khắp thế giới, mới có cơ hội le lói sáng lại. Tại sao điều nghịch lý như thế lại xảy ra? Có thể do hai nguyên nhân chủ yếu là chân lý không được giữ gìn đúng cách bởi những người yêu chân lý và nó bị đánh phá bởi những thế lực phủ nhận chân lý ấy.
Chuyện ở xứ Tây
Khi ánh sáng trí tuệ chưa tỏa sáng thì bóng tối thần quyền ngự trị và tìm cách ngự trị. Những gì con người chưa lý giải được bằng thực nghiệm khoa học thì nó thường bị suy diễn và thậm chí bị gắn yếu tố thần quyền vào để tạo độ tin cậy, phục tùng. Những chuyện đại loại như thần linh sáng tạo, thiên đường, tịnh độ…luôn hấp dẫn con người bởi nó đánh đúng vào tâm lý bất an và ước mơ của con người. Thế nhưng, nếu có một chút trí tuệ để tư duy thì ai cũng có thể thấy được vạn vật hiện tượng đều do tâm sinh ra hay nói cách khác là nhận thức về chúng. Mối quan hệ tương liên là chân lý hóa giải mọi nghi vấn về sự hình thành, tồn tại và tan hoại của vạn loại hữu tình và vô tình; dù nó được khoa học chứng minh là đúng (ít nhất về phần vật chất) nhưng đâu phải ai cũng chấp nhận. Vì vậy mà sự dựa vào thần quyền để tồn tại vẫn được nhiều tổ chức phương Tây ủng hộ. Dù rằng ngày càng nhiều giới trí thức và những người yêu chân lý tìm hiểu, nghiên cứu và thực hành chúng nhưng xem ra chân lý vẫn còn bị lấn át trước sức mạnh thần quyền!
Chuyện xứ Ta
Nói về con người thì vấn đề sống chết là quan trọng nhất, chí ít là đại đa số đồng ý. Theo đạo Phật, kiếp người là vô thỉ, vô chung nghĩa là không thể tìm thấy nguyên nhân đầu tiên hay cuối cùng mà nó tồn tại theo thuật ngữ Phật học gọi là “trùng trùng duyên khởi”. Đối với bậc Thánh chứng Niết-bàn và được đức Phật ví như ‘củi hết lửa tắt’ thì cũng không thể cho là cuối cùng bởi năng lượng của ‘củi hết lửa tắt’ vẫn tiếp tục vận hành theo duyên kế tiếp (nguyện lực). Đối với phàm phu, sự tái sanh trong các cõi lành, dữ theo nghiệp lực là điều không thể tránh khỏi dù muốn hay không.
Dẫu là người con Phật, học và hành theo lời Phật dạy nhưng xem ra những người con Phật cũng chưa thật sự chấp nhận chân lý tái sanh này. Hàng ngày ta vẫn thấy các nơi chùa chiền, tăng ni vẫn theo tập tục tổ chức lễ cầu siêu cho những người đã chết từ lâu và mời gọi các hương linh ấy về hưởng hương hoa, vật thực. Vậy là, chân lý nghiệp và tái sanh đành phải nhường đất cho tập tục văn hóa sinh trưởng.
Không biết là đáng thương cho các hương linh mỗi năm mới được hưởng một lần (thật ra đã tái sanh còn đâu mà về hưởng) hay đáng tội cho những người cứ phải đọc tên cầu siêu hoài mỗi năm. Ngay cả các vị Hòa thượng cao tăng mà mỗi năm cũng được hàng đệ tử tiến giác linh và cầu nguyện ‘cao đăng Phật quốc’ thì nói gì hàng Phật tử bình dân.
Phải chi truyền thống văn hóa (dù không phải của Phật giáo) được thực hành đơn giản và đúng cách tức là cử hành lễ tưởng niệm công hạnh các bậc tiền bối để ôn cố tri tân, để giáo dục con cháu và đặc biệt chú trọng thực hành pháp chuyển hóa tâm thức thay vì cúng bái giác linh, hương linh mang nặng tín ngưỡng cầu nguyện, thì sự lợi ích có được đáng khích lệ biết chừng nào!
Không ai phủ nhận sự an tâm khi thực hành tín ngưỡng cúng bái, nhưng ủng hộ sự an tâm nhất thời ấy tức là đã phủ nhận chân lý của Phật dạy rồi. Chân lý ơi! xin an ủi cùng ngươi!

No comments:

Post a Comment