Monday, April 2, 2012

Trúc Lâm xơ xác, Nalanda sử ghi


Di tích núi Linh Thứu (Gijjhakuta) được đề cập nhiều trong kinh và đặc biệt theo tông phái đại thừa thì cho rằng Phật thuyết kinh Pháp Hoa chính nơi đây. Chúng tôi có dịp đến viếng thăm và đảnh lễ Phật tích này.
Bắt đầu từ Bodhgaya 4h sáng, chúng tối đến chân núi lúc 5h30. Đoạn đường dài 85km vào buổi sáng vắng vẻ nên xe chạy chỉ mất 1 tiếng rưỡi. Từ chân núi chúng tôi leo lên đỉnh theo các bậc thang lát gạch phẳng và rộng. Đây là con đường vua Bimbisara thường lên viếng Phật khi xưa. Trên đường đi gần tới đỉnh, có hai hang đá được tin là của Ngài Xá-lợi-phất và Ngài A-nan. Trên đỉnh Linh Thứu hiện tại chỉ là một nền đá tương đối bằng phẳng rộng chừng 20m2; trong đó, có một nền được bao quanh bởi các vách tường gạch cao nửa mét và ở trong có thiết một chỗ để thờ đức Phật (nơi đây ngày xưa là hương thất của Phật). Mọi thứ đơn sơ, không có nhà mái, không có bàn thờ Phật trang nghiêm. Hiện tại, địa điểm này do người địa phương quản lý nhằm khai thác du lịch. Ai lên đảnh lễ đều bị xin cúng dường, ghi sổ nhưng không biết nó đi về đâu và sử dụng việc gì.
Tới đỉnh núi trước 6h sáng, chúng tôi đã thấy và nghe tiếng của đoàn người Nhật Bản đang tụng kinh. Họ vừa tụng vừa đánh các pháp khí gồm những chiếc trống nhỏ nghe cũng hay. Chúng tôi dâng hoa quả và tụng một thời kinh ngắn trước khi trở xuống. Trong khi chúng tôi đang tụng kinh thì có các đoàn Phật tử Đài Loan và Thái Lan. Họ tranh thủ chiếm không gian và đoàn nào tụng kinh theo đoàn đó. Tôi được nghe rằng, dịp giữa tháng 3 trời bắt đầu nóng nên ít người viếng chứ vào mùa hành hương thì Phật tử khắp nơi kéo về rất đông, không có chỗ chen chân. Nhìn quanh đồi núi, những dây cờ có in chữ Tây Tạng treo khắp và vẫn còn nằm đó mặc dù đã bạc màu.
  
 

Cũng như khắp các Phật tích khác, tình trạng ăn xin cũng lan tràn. Một số thì kèo nài khách mua sách, hình ảnh; còn lại thì ngồi hai bên đường niệm Phật xin tiền. Người Việt đến đây cũng thường xuyên nên họ dễ nhận ra và lúc ấy họ nói tiếng Việt và niệm Nam mô A Di Đà Phật chỉ với mục đích đã nói.
Rời núi Linh Thứu, chúng tôi đến viếng rừng Trúc (tức Trúc Lâm – Veluvan/na) – một nơi được cho là của Vua Bimbisara cúng cho đức Phật sau khi Ngài thành đạo và đến thăm vua như lời hứa trước đó. Theo sử ghi, khi Phật đến thăm vua thì Phật đã độ 3 anh em Ca Diếp cùng với 1000 đệ tử. Tất cả họ đều trú tại rừng trúc này nên có lẽ diện tích lúc ấy của nó cũng tương đối rộng rãi và mát mẽ. Do thời gian và con người tàn phá, hiện tại dù người ta tạo dựng lại để thu hút khách hành hương nhưng vào bên trong chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Trúc Lâm giờ đây chỉ là một vườn hoang xơ xác, toàn là cây bạch đàn, cây xoài và vài bụi tầm vong, trúc. Yếu tố còn lại để cho đây là Phật tích chính là một tượng Phật và hồ nước phía trước. Theo sử ghi thì đây là hồ Phật thường tắm. Vậy mà, khi vào cổng khách hành hương phải trả 70 rupees (1,5 đô la). Ngoài ra, trong vườn còn có một căn nhà nhỏ có thờ Phật nhưng ai vào lễ thì sẽ bị đòi tiền. Nhiều người thấy mời vào lễ Phật tưởng họ tốt, không ngờ họ gài bẫy đòi tiền. Dân Ấn Độ là vậy.

Tiếp theo chuyến đi, chúng tôi viếng phế tích đại học Nalanda – một trường đại học lớn nhất của Phật giáo cho tới hiện tại. Chỉ nhìn những tàn tích khai quật được, chúng ta có thể thấy quy mô và tầm vóc của nó thế nào. Phải công nhân là chư vị tiền bối có tầm nhìn xa rộng khi kiến thiết xây dựng ngôi trường này. Tường dày đặc 2-3 mét rất chắc chắn và có thể tồn tại cả ngàn năm nếu không bị con người tàn phá. Trường khá rộng và chia nhiều khu.
Các khu cho sinh viên ở thì kiến trúc gần giống nhau và rất dễ quản lý. Mỗi khu khoảng 20 – 30 người sinh hoạt chung với nhau. Có lẽ, họ phân công các vị quản chúng coi sóc việc sinh hoạt trong mỗi khu. Mô hình này nếu áp dụng cho ngày nay cũng rất hay vì nó giống như quân đội chia thành các tiểu, trung đội để quản lý và sách tấn tu học.
Các khu chánh điện thờ Phật xây dựng riêng với kiến trúc cầu kỳ và sắc sảo hơn. Chúng tôi tham quan một số điểm chính mà không đi hết vì nó khá rộng cần dành nhiều thời gian và cũng vì lý do là bị quấy rầy. Vào cỗng tham quan mua vé 100 rupees nhưng khi vào trong nếu mấy ông bảo vệ đi theo chỉ chỏ là một hồi họ xin tiền. Muốn đi bình yên để khảo sát cũng không được với những người này.
 
Ngoài 3 điểm trên, còn một số di tích liên quan đến Phật giáo khác như các hang động, di tích của Ngài Huyền Trang… nhưng chúng tôi chưa đi đến.
Theo kinh sách chép, ngày xưa, vùng này là thuộc nước Ma-kiệt-đà hùng mạnh và trù phú. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, khách hành hương đến đây ngoài 2 địa điểm là Linh Thứu thiêng liêng và phế tích đại học Nalanda lừng danh một thuở đáng chiêm bái; còn lại cuộc sống vẫn nghèo nàn, dân tình vẫn khốn khổ. Nó không nói lên được vị thế hùng tráng một thời của thủ đô cổ này. Đây chỉ là cảm nhận của người viết trong một lần hành hương.
Con về đảnh lễ Thứu sơn
Thành tâm tưởng niệm tri ơn Cha lành
Người vì nhân loại, chư thiên
Vân du, giáo hóa, mọi miền thuyết kinh

Trải bao ngàn kiếp tử sinh
Thọ thân cùng tử, bởi vì vô minh
Nay thời phát nguyện trì kinh
Nương theo Phật tổ, sửa mình tiến tu




No comments:

Post a Comment