Monday, April 2, 2012

Đi rồi sẽ biết!


Varanasi là địa danh sở hữu một trong bốn Phật tích và cũng là địa điểm linh thiêng, huyền bí vào hàng bậc nhất thế giới với dòng sông hằng – còn gọi là dòng sông Mẹ. Để đến thành phố cổ này, từ Bodhgaya tôi mua vé xe đò (coach) - một loại xe mà ở Việt Nam vào thập niên 80 dùng để chở khách đi liên tỉnh – để bắt đầu hành trình khoảng hơn 250 km. Xe khởi hành 7h sáng và phụ xe bắt đầu đón khách.
Trên đường đi xe liên tục dừng để đón khách và chất hàng hóa. Chiếc xe đò liên tỉnh nhưng phục vụ không khác nào những chiếc xe bus nội thành tức là có bao nhiêu khách cũng đón đến khi nào hết chỗ đứng thì thôi. Cũng may là chiếc xe này chỉ chất hàng trên mui chứ chưa có người ngồi (những xe nội tỉnh thì người ngồi trên mui là chuyện thường ở Ấn Độ). Xe chạy từ từ thoải mái cho đến hơn 4h chiều mới đến nơi. Phải nói rằng tài xế xe ở Ấn Độ cũng thuộc hàng cao thủ vì giao thông ở Ấn Độ thật lộn xộn nhưng cũng may là không quá nhiều xe 2 bánh như ở Việt Nam.
Con đường liên tỉnh thì tương đối tốt, có sự ngăn cách hai bên, mỗi bên 2 làn xe. Tuy nhiên, khi vào thành phố thì các con đường thật là tệ, vừa nhỏ, vừa ổ gà ổ trâu, vừa dơ bụi. Xe cộ thì đông đúc chạy lộn xà ngầu, kèn xe liên tục kêu đến nỗi inh tai, điếc óc. Những chiếc xe ba bánh cũ kỹ nhưng cũng rất mạnh đưa tôi vào ký túc xá trường đại học. Sau đó, tôi tiếp tục đi xe đạp thồ 3 bánh – một dạng xe như xe lôi ở miền tây nam bộ Việt Nam. Campus trường đại học nào của Ấn cũng rất rộng, có nhiều cây xanh, và có đủ phương tiện cho việc học tập, thể dục thể thao. Lưu nghỉ lại ở ký túc xá trường một đêm, tôi lại có dịp đối mặt với muỗi (chắc Ấn Độ là đất nước nuôi muỗi vì khắp Ấn Độ đâu đâu cũng nhiều muỗi).
Ban đêm đi dọc bờ sông hằng để cảm nhận vẻ linh thiêng huyền bí mà bấy lâu nay được nghe và xem. Đi vào dịp ít du khách nên không gian đi lại rất thoải mái. Dọc bờ sông, có vài chỗ người ta thực hành nghi lễ cầu nguyện theo đạo Hindu với những sắc thái đủ kiểu. Nhạc mở hết cỡ không ai phàn nàn gì cả. Dọc bờ sông cũng có các con thuyền lớn nhỏ để cho du khách thuê đi lại trên dòng sông ngắm cảnh. Du khách có thể thuê thuyền đi lúc nào thích với giá cả khác nhau tùy loại thuyền và thời gian đi lại. 
Tại một nơi trên bờ sông hằng, các xác chết liên tục đem ra để làm lễ rồi sau đó thiêu tại chỗ. Khi tôi đến thì có 3 xác đang thiêu, 2 xác đang chuẩn bị thiêu. Dường như không có từ đám chết hay đám tang ở Ấn thì phải. Khi người thân chết, người ta quấn vào tấm vải, cột lại rồi để lên tấm ván hay đồ khiên (đại loại như băng ca) có 2 cây đòn tay hai bên dài ra để có chỗ cầm khiên đi. Các xác chết ở xa thì được để trên trần xe chở ra bờ sông rồi người ta khiên xuống chỗ thiêu. Trước khi thiêu họ nhúng xác xuống dòng sông cho ướt như là một nghi lễ rồi vớt lên chờ thiêu. Khi thiêu xác, họ không cho chụp hình vì họ quan niệm rằng linh hồn sẽ về trời Phạm thiên, bất cứ điều gì xen vào làm ô uế thì linh hồn không đi được. Mùi khét của xác chết bị đốt bay khắp nhưng với dân Ấn thì dường như quen thuộc. Không có ai khóc lóc, thương tiếc gì hết. Xác thiêu xong sẽ cho xuống sông, không có chuyện đem tro cốt về nhà hay thờ ở đền chùa. Đặc biệt, chỉ có đàn ông mới thực hiện công việc này.
Chúng tôi nói đùa rằng nếu mà ở Việt Nam cũng làm tương tự thì chắc quý thầy cô thất nghiệp dài dài vì đám ma đâu mà cúng. Các chùa cũng thất thu vì không ai gởi cốt hay linh thờ. Suy ra, phong tục rờm rà ở Việt Nam lại là cơ hội tốt cho Phật giáo tín ngưỡng có đất sinh hoạt. Tuy nhiên, chính lễ nghi rờm rà cũng là tác nhân gây bao phiền toái và khổ đau cho người sống.
Buổi sáng đi thuyền trên dòng sông Hằng ngắm mặt trời vừa mọc in hình trên mặt nước thật là thú vị. Chúng tôi có dịp nhìn dân chúng sinh hoạt thường nhật như vừa tắm, vừa giặt, vừa dùng nước cùng lúc trên dòng sông. Thỉnh thoảng xác chết thiêu chưa hết trôi trên sông hay dạt vào bờ. Tôi nhìn thấy một bộ xương chưa lâu trên bờ và các con chó thi nhau gặm ăn. Thật là ghê rợn và kinh khủng đối với những du khách nhưng với người Ấn, nó trở nên bình thường đến lạ lùng. Sống và chết trên cùng dòng sông!?
Tại sao người Ấn lại xem cái chết rất nhẹ nhàng như thế? Tôi được nghe rằng, với họ khi sống thì sống cho hết mình và trọn vẹn ý nghĩa (theo quan niệm của họ có lẽ là cầu nguyện) thì khi chết linh hồn về trời, thân xác ô uế vứt bỏ không có gì tiếc rẻ. Cho nên, họ không có những tiếc mục than van khóc lóc, hay tệ hơn là khóc mướn và nhiều thứ lễ nghi khác như ca hát, nhậu trong đám tang….Đặc biệt, những niềm tin mê tín về trùng tang, kỵ tuổi, kỵ ngày, động mồ mã… mặc nhiên không tồn tại nơi đất Ấn. Chúng tôi nói đùa, chắc cô hồn đói ở Ấn rất nhiều vì chẳng có thầy cúng nào cúng cơm hay chẩn tế cho chúng cả.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến khu Phật tích ở Sanarth, Banares (vườn Lộc Uyển, Ba la nại). Đây là nơi đức Phật thuyết bài kinh đầu tiên có tên gọi là kinh Chuyển Pháp Luân. Nội dung bài kinh nói về bốn sự thật: khổ, nguyên nhân của khổ, sự an lạc hạnh phúc hay Niết bàn và con đường đưa đến Niết bàn. Di tích còn lại mà du khách có thể nhìn thấy là công trình của các triều đại sau Phật tạo nên, đặc biệt là của vua Asoka. Trụ đá của vua Asoka bị phá gãy nhưng vẫn còn giữ lại phần gốc. Các nền móng của các đền thờ, phòng ốc vẫn còn trong khu đất này. Hiện tại, còn một cái tháp tròn cao mới được xây dựng vào thế kỷ thứ 11. Trong khu bảo tồn này, ban quản lý dành một khu riêng để nuôi các con hươu, nai như là để nhắc lại dấu tích vườn nai ngày xưa. 
Xung quanh khu di tích, dần hình thành các ngôi chùa Phật giáo của các nước như Tibet, Trung Quốc, Cam pu chia, Miến Điện….Cách xa khoảng 1 km, một ngôi chùa Việt Nam do sư Tường Quang đang xây dựng với mô hình là một tượng Phật chuyển pháp luân lớn bằng đá ở giữa, phía trước hai bên là chùa một cột và văn miếu, phía sau là hai dãy phòng 4 tầng có thể dung chứa khoảng 200 khách. Khi hoàn thành, đây là ngôi chùa Việt Nam duy nhất ở Phật tích này và có thể phục vụ Phật tử Việt Nam đến nghỉ ngơi khi chiêm bái.
Sau một ngày tham quan, tôi về lại Bodhgaya cũng bằng xe đò. Phương tiện đi lại từ Varanasi – Bodhgaya thật hiếm. Du khách sang thì có thể chọn taxi với giá hơn 50 USD, nếu chọn tàu hỏa thì mỗi ngày có 1-2 chuyến vào giờ khuya đến sáng sớm, còn xe đò thì một ngày chỉ có 1 chuyến khởi hành vào lúc 12h30 khuya đi Gaya. Tôi chọn đi xe đò vì bến xe gần Bodhgaya và thời gian hợp lý theo như đại lý bán vé nói.
Lúc mua vé, đại lý bán vé bảo là 9h tối xe chạy nhưng khi tới nơi thì mới vỡ lẽ là 12h30. Vì lạ và lần đầu tiên đi nên chúng tôi ai cũng hơi sợ khi phải đứng 1 mình chờ ở bến xe. Hơn nữa, xe thì không đậu tại bến mà lại đậu cách đó 1km. Khoảng 9h tối, có hai người (sau mới biết là tài xế) tới đón chúng tôi đưa tới chỗ xe rồi bảo trả tiền xe. Vừa thấy xe lạ, vừa nghĩ họ lừa nên chúng tôi cãi với họ rồi bỏ đi lại chỗ cũ. Thế là chúng tôi phải trả tiền xe đi về bến. Lúc này cảm thấy hơi lo âu vì trời càng về khuya, không quen biết ai.
Chúng tôi tiếp tục điện thoại tới đại lý phàn nàn, rồi nhờ người Ấn nói tiếng của họ cho dễ. Lúc ấy, bạn tôi bảo ra đứng bên ngoài chặn họ lại chứ rủi họ cầm điện thoại chạy mất. Vừa lo mà cũng vừa mắc cười. Không lẽ Ấn Độ tệ vậy sao! Bạn tôi còn bồi thêm vài câu chuyện là nhiều người bị giết rồi vứt xác làm tôi sợ thêm. Nói một hồi lâu rồi chúng tôi cũng phải đón xe tới chỗ họ xe đậu và tiếp tục trả tiền xe. Thành ra, chúng tôi tốn thêm tiền xe và con bị tài xế dọa không cho đi. Nguyên nhân một phần là do đại lý báo giờ sai, một phần là tài xế không biết tiếng Anh nên không bắt máy trong khi khách chờ xác định có chính xác không.
Ở lại một mình để chờ xe chạy, tôi lại gặp mấy thằng thanh niên nói tiếng Hindi chẳng hiểu gì cả. Thế mà chúng cứ hỏi hoài làm tôi phải tránh xa chúng và cũng thêm lo sợ. Sau đó, thấy xe bậc điện nên tôi lên xe ngồi chờ và bị thằng tài xế cự nự nhưng tôi chỉ hiểu qua thái độ thôi.
Ngồi trên chiếc xe cũ kỹ, nhảy như ngựa mong cho mau tới nơi. Tưởng tối nó chạy mau, ai dè nó cũng đón khách và dừng nghỉ lâu nên đến gần 7h sáng tới. Một đêm trên xe để có dịp nếm thêm hương vị du lịch bụi nơi đất Ấn.








No comments:

Post a Comment