Wednesday, August 18, 2010

Thái Lan: Đất nước và con người

Thái Lan là một đất nước đa văn hóa với sự pha trộn nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau trong đó Phật giáo chiếm phần lớn. Từ nền văn hóa đa dạng ấy, đặc biệt là giáo lý Phật đà đã sản sinh ra những người dân hiền hòa, lịch sự và yêu chuộng hòa bình. Với những gì nhìn thấy từ thực tế và hiểu biết qua học hỏi, người viết muốn ghi lại một vài suy nghĩ của mình về đất nước này như là một sự tham khảo. Quan điểm ở đây mang tính tương đối trong cái nhìn và hiểu biết giới hạn và mong sẽ có nhiều đóng góp khác hay hơn và đầy đủ hơn của chư thiện hữu.

Cũng như các nước trong khu vực, Thái Lan cũng từng chiến tranh và bị chiến tranh. Tuy nhiên, hòa bình đến với Thái Lan tới nay đã khá lâu. Đó là nhờ chính sách ngoại giao linh động cũng như sự lãnh đạo khôn khéo của nhà nước. Thiên nhiên ở đây cũng khá ưu đãi với vùng đồng bằng rộng lớn phì nhiêu thích hợp cho phát triển nông nghiệp, với khí hậu nhiệt đới ôn hòa quanh năm và tương đối ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai so với các nước trong khu vực có biển đông. Tất cả những ưu thế đó tạo cho Thái Lan phát triển tương đối nhanh và là một tiên phong trong khu vực. Thái Lan cũng nổi tiếng là xứ chùa tháp với rất nhiều ngôi chùa trải khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là còn khá nhiều khu chùa cổ hàng trăm năm được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Chùa ở Thái mang đặc trưng kiến trúc Thái với màu vàng biểu trưng cho sự linh thiêng của Phật giáo và sự bình an của cuộc sống. Phải chăng vì lí do đó mà hàng năm có rất nhiều du khách khắp nơi trên thế giới đến tham quan và thưởng thức vẻ đẹp và sự thanh bình ở xứ này!?

“Đất lành chim đậu” là trường hợp đúng với Thái Lan cũng như nhiều nước khác. Theo dòng thời gian, có rất nhiều dân tộc từ các nước đến sinh sống và trở thành người Thái bao đời nay. Nhiều nhất phải nói đến là người Hoa với dân số người Thái gốc Hoa hiện nay chiếm gần phân nửa, rồi dòng người từ Ấn Độ, Việt Nam, Cam pu chia, Lào, Miến Điện, Malaysia, …. Mỗi dân tộc mới này đóng góp thêm vào nền văn hóa bản địa những truyền thống mới tạo nên một đất nước Thái đa dạng về tín ngưỡng và tôn giáo. Tuy nhiên, tất cả đều hòa nhập và phát triển trong sự an bình. Người Thái bản xứ mặc dù cùng sống và sinh hoạt chung với cộng đồng các dân tộc khác nhưng ở họ vẫn có nét khác để có thể nhận ra. Đó là vẻ hơi thô về hình dáng nhưng bản chất thì mộc mạc. Phải chăng chính mảnh đất hiền hòa này tạo cho họ tính cách ấy?!

Nói đến Thái Lan mà không nói đến đạo Phật sẽ là một thiếu sót lớn. Đạo Phật theo đoàn người truyền giáo đến các nước châu Á trong đó có Thái Lan từ rất sớm. Với tính ưu việt của giáo lý Phật đà là lòng từ bi và ưa chuộng hòa bình, Phật giáo đã dễ dàng đi vào lòng người Thái và trở thành quốc giáo trong nhiều thời kì. Phật giáo đã ảnh hưởng và đóng góp gì trong xã hội Thái để được chấp nhận và duy trì lâu dài như thế? Đó là câu hỏi thiết thực đặt ra cho tất cả các nước theo truyền thống Phật giáo. Việt Nam cũng từng có một thời Phật giáo vàng son dưới hai triều đại Lý, Trần nhưng sau đó theo dòng lịch sử thăng trầm, Phật giáo đã đánh mất vai trò cho đến ngày nay. Tìm hiểu nguyên nhân thì cũng chính là giải pháp. Có lẽ do nhiều yếu tố từ địa lợi, nhân hòa ...tạo nên nhưng ở đây phải kể đến yếu tố căn bản là đạo Phật, một tôn giáo đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sự ổn định và phát triển xã hội Thái.

Đức Phật đã dạy và để lại cho nhân loại một nền đạo đức Phật giáo từ nhân gian cho đến siêu việt phù hợp với tất cả mọi thành phần xã hội. Thừa hưởng nền đạo đức vô cùng quý giá ấy, đất nước Thái đã đưa giáo dục đạo đức Phật giáo vào tất cả các trường ở mọi cấp học. Đặc biệt, hầu như các ngôi chùa lớn ở Thái đều có trường học bên cạnh để cho các thế hệ con em có cơ hội học cả văn hóa và đạo đức. Như vậy, đạo Phật đã đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục con người, góp phần xã hội hóa giáo dục. Bên cạnh việc trao cho học sinh kiến thức, thầy cô mà quan trọng là các nhà sư trực tiếp dạy các em về những giá trị đạo đức để các em có thể áp dụng vào những tình huống ứng xử trong cuộc sống hằng ngày. Nhờ sự giáo dục liên tục của nhà trường từ các cấp học cộng với sự quan tâm của gia đình và xã hội, tâm tánh người Thái trở nên khá hiền lành. Đạo đức ở Thái được chú trọng trong quá trình học tập và nhất là những kì thi lên các chương trình cao, kết quả đạo đức đóng vai trò rất cần để một sinh viên có thể được chấp nhận hay không. Điều đó làm cho họ ý thức nhiều hơn và nỗ lực trau dồi nhân cách của họ trong cuộc sống thường nhật.

Là một nước đa số theo truyền thống Phật giáo nên ngay khi còn rất nhỏ các em đã được cha mẹ hướng dẫn gần gũi các chùa và học những lễ nghi sơ đẳng. Danh hiệu Đức Phật Thích Ca và bài phát nguyện quy y bằng tiếng Pali hầu như Phật tử đều biết. Người Thái rất kính trọng chư tăng và bất cứ ở đâu, khi thấy chư tăng họ đều kính lễ và nhường chỗ. Trong lòng của mỗi người Thái được gieo hạt giống Phật pháp nên khi gặp chùa hay tượng Phật họ tự động chắp tay xá với lòng cung kính. Với họ, có sự phân biệt rõ ràng giữa chư tăng và Phật tử. Không khi nào Phật tử dám ngồi ăn chung với chư tăng mà thường ăn sau hay ăn ở nơi khác nếu cùng lúc. Người nữ thì không bao giờ dám đụng vào áo vàng của chư tăng, và thường khi họ cúng phẩm vật cho chư tăng đều qua gián tiếp như để trên bàn hay nhờ người nam giúp. Người Thái chú trọng vào niềm tin Phật pháp và với họ thì làm phước để cầu sanh về cảnh an lành là chính yếu. Họ hầu như không có tư tưởng tu để thành Phật như Phật giáo Đại thừa. Tuy nhiên, niềm tin của họ rất mạnh và biết bảo vệ đạo pháp.

Như đã nói, người Thái có niềm tin vào phước báo rất mạnh nên họ rất thích bố thí cúng dường. Nhiều người dù nhà không khá nhưng cũng cố gắng mỗi ngày cúng dường thức ăn vào bát cho chư tăng. Đó là một sự thực tập hằng ngày của họ. Thỉnh thoảng, Phật tử cũng đến chùa tụng kinh tu tập nhất là vào các ngày Bát Quan Trai. Ngoài ra, theo truyền thống Nam tông, tu thiền là phương pháp hành trì chính. Do đó, nhiều trường thiền mở ra và chư tăng Phật tử đều có thể tham gia. Ngày nay, càng có nhiều Phật tử khắp nơi đến tu các khóa thiền, ngay cả những quan chức cấp cao, cảnh sát, nhân viên …cũng tham gia các khóa tu này. Phật tử Thái chú trọng vào sự an lạc hiện tại bằng sự hành trì qua những lời kinh đơn giản dễ hiểu mà không thích lý luận những vấn đề cao siêu. Có lẽ đó cũng là hệ quả tất yếu bởi Thái là một nước Phật giáo Nam truyền vậy.

Trong kinh Du Hành thuộc bộ Trường A Hàm, đức Phật dạy bảy pháp làm cho một quốc gia hưng thịnh và an ổn. Trong đó, bài kinh có đề cập đến những hạnh như hiếu dưỡng cha mẹ, kính thuận sư trưởng, tôn trọng tông miếu, kính nể quỷ thần, thờ kính sa môn, ủng hộ người trì giới tu hành.[1] Những yếu tố vừa nêu được người Thái xem như là bổn phận thiêng liêng của mình. Do đó, cũng không quá ngạc nhiên khi thấy đất Thái hòa bình và phát triển. Kết quả tất yếu ấy sẽ đến với bất cứ nơi đâu mà người dân còn gìn giữ những giá trị ấy. Từ đó chúng ta nhìn và ngẫm nghĩ về xã hội nơi chúng ta đang sống để có thể tìm ra hướng đi thích hợp cho một tương lai phát triển phồn vinh, thịnh vượng và an bình.



[1] Trang chủ. www.quangduc.com/kinhdien/223truongaham02.html. [truy cập ngày 18/12/2007]

No comments:

Post a Comment