Wednesday, August 18, 2010

Ý nghĩa Lễ Dâng Y

Ngày nay, hình ảnh dâng y trở nên quen thuộc đối với những người con Phật. Mỗi dịp tháng 7 âm lịch khi mà chư Tăng sắp mãn hạ, Phật tử lại có dịp tham dự và dâng pháp y cúng dường chư tôn đức Tăng Ni. Ý nghĩa dâng pháp y luôn được chư tôn Hoà thượng giải thích nhân dịp lễ nhưng có lẽ cũng còn nhiều người cần biết hay tìm hiểu thêm. Do đó, bài viết này nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu tìm hiểu cùa quý Phật tử. Từ sự hiểu biết ấy, hy vọng rằng các lễ dâng pháp y sẽ trang nghiêm hơn và đông đảo hơn.

Theo truyền thống Phật giáo, mỗi năm vào mùa mưa chư Tăng đều phải câu hội về một trú xứ để An cư, thúc liễm thân tâm trau dồi tam vô lậu học (giới, định, tuệ). Nhờ sự tu tập tinh nghiêm, sau 3 tháng có nhiều vị chứng đắc quả vị giải thoát cao hay ít nhất cũng được nhiều an lạc. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của nó, An cư kiết hạ được thi hành từ thời đức Phật cho đến ngày nay. Mặc dù thời gian, hình thức đôi khi có thay đổi nhưng ý nghĩa và giá trị thiết thực của nó vẫn được duy trì. Do vậy, tuy không đạt được quả vị giải thoát như thời đức Phật nhưng kết quả lợi lạc sau 3 tháng là điều không thể phủ nhận. Sự thành tựu đạo nghiệp ấy là cơ duyên cho hàng Phật tử gieo trồng cội phước và chư Tăng được ví như ruộng tốt lành để hàng Phật tử gieo trồng hạt giống phước báo hầu mong được hạnh phúc hiện tại và tương lai. Chiếc y của chư Tăng được ví như là ruộng phước và việc cúng dường y trở thành một truyền thống trong Phật giáo.

Cũng theo truyền thống, việc dâng y chỉ được thực hiện khi mãn hạ và vị được nhận y là vị thiếu y, vị trưởng lão hay vị xuất sắc trong tu tập. Chiếc y ấy có tên gọi là kathina nghĩa là y công đức, y thưởng thiện phạt ác, y kiên định, y che thân khi nắng mưa v.v…, trong đó nghĩa y công đức được sử dụng phổ biến hơn cả. Theo Yết Ma Yếu Chỉ y kathina là loại vải thô cứng được dùng để may y phục. Luật Tứ Phần nói: sau khi tự tứ, các vị Tỳ kheo đi đảnh lễ Phật. Trên đường đi, họ gặp mưa ướt hết nên đi lại rất nặng nề (vì y quá lớn và bị ướt). Sau khi đảnh lễ xong, đức Phật hỏi thăm về tình hình tu tập của các Tỳ kheo. Biết sự việc trên, Phật cho phép các Tỳ kheo được phép nhận y công đức sau khi mãn hạ. Đó là nhân duyên có lễ dâng y kathina hay y công đức mà thường gọi là lễ dâng pháp y.

Như vậy, thọ y có ý nghĩa là phần thưởng xứng đáng cho các Tỳ kheo đã tu tập tinh tấn trong ba tháng An cư, là vinh hạnh to lớn trong đời sống tu tập và là tấm gương tinh thần có giá trị soi sáng và ảnh hưởng tốt đến đại chúng. Do đó, thọ nhận y không mang ý hưởng thụ vật chất mà là một phần thưởng tinh thần khích lệ cho việc tu trì.

Theo thời gian, truyền thống dâng y được lễ hội hoá với hình thức tổ chức trọng thể và việc dâng y được thực hiện cho tất cả chư Tăng Ni hiện diện trong đạo tràng tu tập. Vì vậy, lễ dâng y được tổ chức với phạm vi lớn hơn, rộng rãi hơn. Phật tử tham dự lễ đội trên đầu mình chiếc y và đi nhiễu theo sự hướng dẫn của ban tổ chức. Vì kết hợp giữa nghi thức truyền thống và lễ hội nên lễ dâng y thu hút sự quan tâm của quần chúng Phật giáo đồ. Đó cũng là nhân duyên hướng họ đến với những giá trị đích thực mà đạo Phật mang lại.

Một điều làm Phật tử không được vui là khi dâng y cúng dường. Vì số lượng Phật tử tham dự và dâng y bao giờ cũng nhiều hơn là chư Tăng Ni nhận y nên có sự tranh giành dẫn đến người vui kẻ buồn. Do không hiểu ý nghĩa cúng dường hay do lòng khát ngưỡng khá cao mà nhiều người muốn chính mình được dâng chiếc y lên chư tôn đức. Đó là một mong muốn tốt nhưng nếu vì đó mà cố chấp thì lại là sự sầu khổ. Bởi vì người trực tiếp dâng y hay người gián tiếp nếu tâm thanh tịnh cúng dường y đều có phước báo như nhau. Do đó, lời khuyên với quý Phật tử là hãy giữ tâm cúng dường thanh tịnh và hoan hỉ dù có được duyên đội y dâng hay không để hưởng phước báo trọn vẹn nhất.

No comments:

Post a Comment