Sunday, August 15, 2010

Pháp môn hành trì

Trong vũ trụ bao la mà chúng ta đang sống, mỗi người là một thế giới riêng biệt mang nhiều màu sắc khác nhau từ tâm thức đến hình thể. Sự khác biệt ấy là biểu hiện nghiệp quả của mỗi cá nhân. Từ sự khác biệt ấy, đức Phật đã giảng dạy nhiều pháp môn khác nhau nhằm phù hợp với căn cơ trình độ của mỗi người. Sau khi đức Phật nhập diệt, các vị tổ tiếp tục truyền thừa chánh pháp mãi cho đến ngày nay. Chánh pháp của Phật dù cao hay thấp, hiển hay mật cũng đều nhằm mực đích hướng dẫn chúng sanh đến giác ngộ giải thoát. Tùy theo căn cơ mà mỗi người chọn cho mình một pháp môn để chuyên tâm tu tập hầu giải thoát cho bản thân. Theo tinh thần đó thì dù Tăng ni hay Phật tử tại gia muốn được an lạc giải thoát đều phải chọn cho mình pháp môn thích hợp để hành trì. Ở Việt Nam hiện nay, có ba tông phái lớn tồn tại là Thiền tông, Tịnh Độ tông và Mật tông trong đó Tịnh Độ tông phổ biết hơn cả.

Sau khi thành đạo dưới cội bồ đề, đức Phật đã đem chân lý mà Ngài chứng ngộ truyền dạy khắp nhân gian cho tất cả chúng đệ tử và khuyên họ tiếp tục truyền dạy chân lý ấy cho những người chưa biết. Giáo pháp của Ngài truyền tới đâu đều đem lại lợi lạc cho người dân nơi đó. Trong xã hội có bao nhiêu thành phần, có bao nhiêu tính cách con người thì Ngài dạy chừng ấy phương pháp đủ để độ họ thoát khỏi vô minh tăm tối. Lời dạy của Ngài tùy lúc tùy nơi với nội dung có thể khác nhau nhưng đích đến cuối cùng vẫn là sự giải thoát khổ đau, như trăm ngàn dòng sông tuy có lớn nhỏ khác nhau nhưng vẫn chảy về đại dương bao la vậy. Đức Phật như người thầy thuốc khám bịnh kê toa. Tất cả bịnh nhân theo đó mà được khỏi bịnh và không có bịnh nhân nào phàn nàn hay so đo bàn luận về thuốc mà Phật đã kê ra. Không ai nói thuốc này tốt thuốc kia xấu, không ai chê ít hay nhiều. Bởi vì, tất cả thuốc Phật kê ra đều có công dụng như nhau, đó là có thể chữa lành bệnh. Nói cách khác, giáo pháp của Phật nói ra không phải để bàn luận thấp hay cao, dễ hay khó, pháp này đúng pháp kia sai mà mục đích chính là để hành trì chữa lành bịnh phiền não chúng sanh. Tất cả pháp ấy nếu được áp dụng tu tập đúng với bịnh của chúng sanh thì hành giả sẽ hưởng được niềm an lạc ngang nhau như cùng nếm được vị mặn của nước biển.

Tiếp nối hạnh nguyện của đức Phật, các vị tổ tiếp tục đem giáo pháp của Ngài truyền dạy khắp nơi không riêng gì xứ Ấn Độ mà rộng khắp đến các châu lục khác. Vì phong tục tập quán và con người mỗi nơi khác nhau, nên Phật pháp không thể đi vào lòng người nếu như cứ giữ nguyên hình thức và phương pháp như trước. Do đó, các vị tổ với sự chứng nghiệm bản thân đã tùy cơ ứng biến cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Đặc biệt ở xứ Trung Hoa, các Ngài đã chia giáo pháp của đức Phật ra thành 10 tông phái nhằm thích hợp với 10 nhóm căn cơ theo thời đó. Riêng các vị tổ của các tông phái đều sở đắc pháp môn của mình. Điều đặc biệt là tuy nhiều tông phái khác nhau nhưng không thấy tông phái nào chê bai hay chống trái nhau cả.

Khi càng xa thời đức Phật và chư tổ chứng đắc, tâm niệm chúng sanh trở nên biếng nhác, cang cường khó dạy, chỉ lo chạy theo những chuyện phàm tình đau khổ. Việc chuyên tâm hành trì Phật pháp thì quá ít mà việc hí luận phù phiến thì quá nhiều. Pháp môn tu tập được học từ chư vị giáo thọ thì không chuyên tâm nghiền ngẫm cho thấu hiểu để áp dụng cho đúng mà lại thích khoe khoan bàn luận hơn thua với các bạn đạo về Thiền Tịnh v.v…. Vì sự hiểu biết chưa thấu đáo về Phật pháp nên càng bàn càng rối; lại thêm tâm chê bai, hơn thua nên dẫn đến bài bác chánh pháp, chia rẻ tình bạn đạo, làm mất sự hòa hợp và tạo điều kiện cho những kẻ cơ hội lợi dụng. Đó là một căn bịnh trầm trọng mà Phật tử thường hay mắc phải.

Khi Phật còn tại thế, Ngài chưa từng chê bai giáo pháp của bất cứ đạo giáo khác nào. Phật thường lắng nghe cách trình bày giáo lý của các vị ngoại đạo, sau đó Phật trình bày quan điểm của mình về vấn đề các vị ngoại đạo bàn luận thông qua sự chứng nghiệm của bản thân. Qua đó người hiểu biết sẽ nhận ra đâu là lẽ thật nên theo và đâu là điều cần loại bỏ. Phật chưa bao giờ bài bác giáo lý của các đạo khác và đề cao giáo lý của mình. Tiếp nối hạnh Phật, các vị tổ cũng tùy duyên hành trì như vậy. Do đó, đạo Phật đi đến đâu đều có thể hòa nhập đến đó như nước với sữa hòa hợp và đem lợi lạc cho quần sanh.

Đạo Phật như đã trình bày là thực tế, giải quyết những khổ đau của con người trong hiện tại chứ không phải chỉ là hình thức tín ngưỡng để lễ lạy cầu phước. Niềm tin lễ lạy thờ cúng là một hình thức không thể thiếu để tỏ lòng tri ân Đấng Từ phụ và chư vị tổ đức nhưng bao nhiêu đó thì chưa đủ. Đạo Phật cần phải được thực hành thì mới có kết quả an lạc trong hiện tại và tương lai, như lời Phật dạy: “Giáo pháp của ta là đến để thấy chứ không phải đến để tin”. Các pháp môn hành trì được chỉ rõ trong những lời dạy của đức Phật và sau này chúng được chư tổ phương tiện phân ra thành các tông phái với pháp môn đặc thù. Tùy theo trình độ và sở thích, mỗi người nên chọn lựa cho mình pháp môn thích hợp nhất hành trì thay vì chỉ bàn luận và thờ lạy suông.

Ngày nay nhu cầu tu học của hàng cư sĩ ngày càng cấp thiết bởi họ gặp quá nhiều sự bất an do xã hội mang lại. Đáp ứng phần nào nhu cầu ấy, các tự viện, các đạo tràng tu học được tổ chức hàng tuần, hàng tháng cho mọi người tham gia tu tập. Nhiều đạo tràng có đến vài ngàn Phật tử tham gia tu học. Đó là dấu hiệu khả quan về số lượng. Đặc biệt, có rất nhiều Phật tử lặn lội xa xôi hàng trăm cây số để đến tham dự ở các đạo tràng nơi thành thị. Tinh thần cầu tu học như thế thật là quý báu. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người nghèo khó ở vùng xa rất cần những đạo tràng tại địa phương để hướng dẫn họ về Phật pháp. Niềm mong mỏi ấy thật đáng quý và cần sự giúp đỡ biết bao!

Phật pháp ví như thuốc quý nhưng để uống chứ không phải để mô tả, bàn luận hay thờ kính. Tư duy về chánh pháp để hiểu và hành trì cho đúng là điều khích lệ. Còn ngược lại, học để hiểu và hí luận thì thật vô ích và không ai tán thán. Để tránh hiện tượng khoe khoan và chê bai, thiết nghĩ chư vị giáo thọ phải có những phương pháp hướng dẫn cụ thể, thiết thực dễ hiểu và có hiệu quả; còn hành giả thì phải xác định mục đích, niềm tin và lòng kiên định trước khi chọn pháp môn hành trì. Tiêu chí có thể đánh giá kết quả đạt được từ việc thực hành của mỗi người là giá trị an lạc mà người ấy đạt được. Nếu thiếu chất liệu an lạc giải thoát thì dù họ có khoe khoan tu pháp môn gì cũng là lầm lạc và cần điều chỉnh. Thời gian của đời người ngắn ngủi, vì thế chúng ta không nên để mất quá nhiều thì giờ vào hí luận hơn thua vô ích mà cần phải chuyên tâm thực hành chánh pháp. Pháp môn thì không thiếu chỉ sợ rằng thiếu người thực hành. Đây là điều đáng suy tư của những người con Phật vậy!

No comments:

Post a Comment