Wednesday, August 18, 2010

Phật giáo và nhu cầu xã hội

Sự ra đời một tập sách nhỏ để ôn lại những thời gian bên nhau, kể cho nhau nghe những kỷ niệm hay kinh nghiệm trong cuộc sống là một điều phấn khởi có lẽ không riêng cá nhân ai trong khóa 5 Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hưởng ứng tinh thần đề xuất của những vị có tâm huyết – những người đã tạo điều kiện hết mực cho sự gắn bó lâu dài giữa các thành viên trong khóa, người viết cũng xin được góp vài ý nhỏ góp nhặt từ những suy nghĩ nông cạn với hy vọng tô thêm một chút màu vào vườn hoa tâm linh đa sắc, lung linh và huyền diệu – vườn hoa của khóa 5 Học viện.

Khi nói đến Phật giáo, chúng ta không thể không nói đến giá trị giáo dục, nhất là giáo dục tâm linh mà đạo Phật đóng góp cho nhân loại. Phật giáo là con đường hay phương pháp huấn luyện tâm linh, huấn luyện lối sống đạo đức cho con người trong xã hội loài người. Thông qua những lời dạy của đức Phật để lại trong các bộ kinh và dựa vào phương pháp áp dụng của những nhà giáo dục tâm linh, giá trị giáo dục Phật giáo được phát huy ở mức độ khác nhau. Lời Phật dạy thì không thay đổi, phương pháp hành trì đa dạng nhưng cũng tương đối rõ ràng, chỉ còn lại yếu tố quan trọng là con người – những người biết áp dụng phương pháp sao cho thích hợp và sáng tạo để đem đến kết quả tốt nhất. Điều này đặt ra cho tất cả những nhà giáo dục tâm linh một câu hỏi lớn và buộc phải nghĩ ra giải pháp hữu hiệu nhất cho bản thân khi hành đạo.

Ở đây, người viết chỉ đề cập chia sẻ những điều thấy được từ thực tế Phật giáo nước láng giềng. Có lẽ ai cũng biết rằng Phật giáo Thái Lan được xem như là quốc giáo bởi tín đồ theo đạo Phật chiếm tỉ lệ hầu như gần hết và văn hóa Phật giáo từ xưa đã hòa nhập và trở thành văn hóa Thái. Thành tựu ấy là kết quả tuyệt vời của nền giáo dục Phât giáo đem lại. Phương pháp giáo dục có vẻ như đơn giản, hình thức, chấp chặt nhưng lại rất có hiệu quả. Ở Thái, vai trò và trách nhiệm của người xuất gia và tại gia được phân biệt rõ ràng về mọi mặt. Riêng về mặt tu tập tâm linh thì họ xác định rằng chỉ có người xuất gia mới có thể thành tựu quả vị thánh. Người tại gia chủ yếu tu tập để tích tụ công đức và phước báo, do đó, việc chứng thánh quả với họ không phải là vấn đề để họ bàn luận.

Có lẽ đọc qua quan điểm trên, chúng ta có những suy nghĩ đánh giá khác nhau hoặc tích cực hay tiêu cực và nếu nhìn từ góc độ thiết thực sẽ có điều chúng ta cần tham khảo. Phải thừa nhận rằng đối tượng mà Phật giáo nhằm đến không ai khác hơn là con người, mà con người ở đây là con người trong xã hội tức là quần chúng thuộc mọi tầng lớp xã hội. Trong đó, thành phần cư sĩ tại gia chiếm đại đa số chứ không phải những bậc xuất gia trong bất cứ thời đại nào và quốc gia nào. Do đó, trong khi giáo hóa độ sanh, đức Phật khuyến khích đời sống xuất gia nhưng Ngài lại tập trung nhiều vào đối tượng tại gia vì đây là thành phần chiếm số đông và cần được nhận sự quan tâm của đức Phật nhiều nhất. Hiểu rõ được lời dạy ấy, Phật giáo Thái đã đi đúng đường, đúng phương pháp khi họ biết áp dụng chúng để giáo hóa những người Phật tử.

Nhu cầu của người tại gia không thể là nhu cầu của người xuất gia nên không thể hấp dẫn họ nếu chỉ giới thiệu những lý thuyết lý tưởng cao siêu mà thiếu cái thực tế, gần gũi cần thiết hàng ngày. Phật giáo Thái không dạy nhiều về lý tưởng Bồ tát nhưng chính tinh thần từ bi thông qua bố thí cúng dường lại là hóa thân của Bồ tát; thay vì thuyết phục bằng ngôn từ trừu tượng họ dùng những tấm gương có thực bằng những con người thật để nhiếp hóa. Qua những điều thực tế và cụ thể, Phật tử hiểu và xác định được vị trí, nhiệm vụ, nhu cầu của họ nên họ theo đó để đóng góp và phát triển tâm linh. Họ dường như không thích bàn luận quá nhiều lý thuyết Phật giáo mà chỉ quan tâm những pháp thực hành cụ thể. Cho dù những pháp ấy đôi khi hình thức và chấp mắc, nhưng nó vẫn có gí trị giáo dục tích cực hơn nhiều so với sự bàn luận lý thuyết cao siêu mầu nhiệm nhưng chỉ là sự bàn luận suôn.

Cách giáo dục như thế được áp dụng một cách cụ thể. Ngay từ khi còn là một cậu bé hay cô bé tí xíu, chúng đã được dạy về đạo đức Phật giáo. Đó là sự tôn kính Tam bảo, kính trọng cha mẹ, những người lớn, biết lễ phép, biết chắp tay chào hỏi…. Sự giáo dục ấy diễn ra đồng thời ở gia đình, học đường và môi trường xã hội, nên chúng ta cũng không quá ngạc nhiên khi thấy các thế hệ người Thái hiền hòa và mang đậm chất Phật giáo như thế. Cũng ngay từ nhỏ, các em nhỏ được tập cho tham gia vào trong các sinh hoạt Phật giáo như lễ hội, tụng kinh, làm phước v.v…Đây là một cách giáo dục huân tập có ý thức về nhu cầu và bổn phận của chúng. Ví dụ thông qua việc cúng dường tạo phước, thay vì chỉ có những người lớn đại diện thì ở Thái tất cả các thành viên trong gia đình đều tham dự. Tâm lý chung khi tham gia một sinh hoạt, nếu trong đó có bổn phận của mình thì chúng ta sẽ thích thú hơn và sẵn sàng hơn. Đây cũng là điều cần suy nghĩ khi chúng ta tổ chức bất cứ sinh hoạt gì, đối tượng phục vụ phải là yếu tố để ý đầu tiên.

Phật giáo thật cao thâm nhưng cũng rất gần gũi với đời thường. Với mọi thành phần xã hội, Phật giáo đều có thể đáp ứng và đem lại lợi lạc nếu được áp dụng đúng phương pháp. Xác định được đối tượng và nhu cầu của đối tượng thì các nhà giáo dục tâm linh sẽ có cơ hội thành công trong quá trình áp dụng cách giáo dục. Đây lại cũng là một vấn đề đặt ra cho tất cả chúng ta - những người có nhiều ưu tư đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nói chung và cho sự hưng thịnh Phật giáo nói riêng.

No comments:

Post a Comment