Sunday, August 15, 2010

Âm thanh cuộc sống

Két…két…một tiếng kêu thật lớn phía sau làm tôi giật mình và quay nhìn lại. Thì ra đó là tiếng kêu phát ra từ một chiếc xe dừng lại bất ngờ do thấy chúng tôi băng qua đường. Chân tôi run run và lật đật bước qua đường để nhường lối cho những chiếc xe đi qua. Chúng tôi quen với tập quán cũ là đi bên lề phải nên hay bị nhầm với xứ có phong tục đi xe chiều ngược lại. Rảo bước trên hè phố với tâm bình tĩnh lại, tôi quan sát và tâm tư miên man nghĩ về những hình ảnh sinh hoạt đang diễn ra trước mắt. Chúng đi vào tâm trí và gợi lên trong tôi nhiều suy tư về cuộc sống.

Giữa một thành phố tấp nập về người và xe cộ, tất cả như đang hối hả chạy theo guồng máy vận hành của xã hội. Trong cái vội vả ấy tôi cảm nhận được những sự bình yên, nét hiền hoà dễ thương của sự sống. Những âm thanh đều đặn phát ra từ các loại xe không xen nhau bởi tiếng còi hú. Âm thanh từ những người đi đường, học sinh, người bán hàng rong v.v… cũng làm tăng thêm sự náo nhiệt của khu đô thị. Sự náo nhiệt hiền hoà dễ chịu không hề xen lẫn những tiếng chửi rủa, văn tục qua lại nhau. Hình ảnh chào bán trên những lều quán dọc đường cũng diễn ra thật lịch sự, không có sự giành giật hay ẩu đả. Văng vẳng bên góc phố là tiếng hát của những người ăn xin. Âm thanh ấy phản ánh rằng bên cạnh sự phồn hoa, hào nhoá vẫn tồn tại cảnh nghèo khổ, nhưng biểu hiện của cái nghèo cũng thể hiện nét đẹp của tâm hồn. Họ không bám theo khách thập phương để vòi vĩnh xin tiền cho được, cái mà thường làm nhiều du khách khó chịu. Và còn bao hình ảnh khác cũng đồng thời xảy ra trong sự bình yên của cuộc sống…

Cuộc sống luôn tồn tại hai mặt của nó. Cái tốt xấu, sự giàu nghèo, nền văn minh và sự tụt hậu, lối cư xử văn hoá và hành vi thô bạo luôn song song tồn tại trong bất cứ xã hội nào. Cái đáng quan tâm là sự hoàn thiện xã hội đến mức độ nào để có thể chấp nhận được và có thể thoả mãn nhu cầu chung của nhân loại. Đi tìm nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch giữa các xã hội ở các nước tức là đang đi tìm giải pháp để khắc phục những tồn tại của xã hội. Tuy nhiên, khả năng để có thể tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục là tuỳ thuộc vào trình độ của từng quốc gia. Xa hơn nữa là khi tìm ra được giải pháp rồi chúng ta có chấp nhận khắc phục hay không. Đó là một câu hỏi lớn đặt ra? Những giải pháp riêng để hoàn thiện xã hội có lẽ đất nước nào cũng đang vận dụng nhưng thành quả đạt được còn tùy thuộc rất nhiều vào con người sử dụng nó.

Một khía cạnh khác cũng làm cho người viết thích thú là sự ý thức cộng đồng, bảo vệ tài sản chung của toàn thể cư dân đối với xã hội. Những cảnh trang trí thành phố, những hàng cây xanh, đèn chiếu sáng, ghế đá công viên hay bồn hoa cây cảnh bên cạnh sự săn sóc thường xuyên của công nhân còn được nhân dân bảo vệ. Sự phá hoại vô ý thức không xảy ra bởi tất cả được giáo dục ngay từ thời thơ ấu. Âu cũng là điều để ta suy ngẫm.

Thế rồi, chúng tôi bước lên xe buýt để tiếp tục chuyến đi. Tôi không quá khen khi nói về sự trật tự của hành khách, sự tôn trọng nhường nhịn lẫn nhau nhất là đối với người lớn tuổi. Mỗi người tự động ổn định tư thế của mình trong sự yên lặng. Không có lời văn tục hay lớn tiếng xảy ra trong suốt lộ trình. Nhân viên phục vụ khá lịch sự cho dù ngoại hình trông có vẻ “dân chơi”. Sự mời đón với những lời nói niềm nở đã tạo không khí thoải mái cho mọi người trên cùng chuyến đi. Những chuyện có vẻ đời thường quá nhưng ngẫm lại sao hay quá và cũng đáng học quá.

Người viết không phải khen người chê mình mà chỉ muốn viết lên những chuyện mắt thấy tai nghe từ cuộc sống đời thường. Bởi vì, chính cái bình thường ấy lại là cái cần thiết để làm nên xã hội văn minh. Ca dao có câu: “đi một ngày đàn học một sàn khôn” quả là không ngoa. Nhưng trong thế giới lẫn lộn thiện ác này, sự sáng suốt lựa chọn vẫn luôn là cần thiết. Mong thay!

No comments:

Post a Comment