Tuesday, January 12, 2010

Hạnh Phúc Cùng Tu Tập

Cổng Tam Quan Chùa Từ Lâm, Quảng Ngãi


Hạnh phúc và khổ đau là hai mặt của cuộc sống, đươc biểu hiện qua thái độ và cử chỉ hành động của con người. Hạnh phúc được con người cảm nhận với mức độ và cách thức khác nhau tùy theo quan điểm và lối sống của mỗi người. Hạnh phúc trong đạo Phật cũng được phân chia đại khái có hai loại là hạnh phúc thế gian dành cho người còn hưởng thụ dục lạc và hạnh phúc xuất thế dành cho những người có tâm cao thượng sống đời sống tâm linh. Trong hai loại hạnh phúc trên, hạnh phúc cùng tu tập thuộc về loại thứ hai bởi vì nó được vun bồi qua quá trình hành trì chuyển hóa tự thân của mỗi hành giả, và sự cộng hưởng từ đại chúng. Có thể nói rằng, mùa an cư là cơ hội thuận lợi nhất để mỗi hành giả có thể cảm nhận được hạnh phúc này.

Có lẽ giải thích nôm na, hạnh phúc là loại cảm thọ hay cảm giác mà con người trải qua với nhiều cấp độ khác nhau và điều kiện hay yếu tố tạo nên hạnh phúc là thật phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, khi giới hạn vào một phạm vi hay việc làm nào đó để biểu lộ cảm thọ hạnh phúc thì những hạnh phúc ấy có thể dễ dàng được đồng cảm và chấp nhận bởi những người cùng kinh nghiệm. Ngoài xã hội, thành công trong công việc, thăng quan tiến chức một cách chân chính…có thể gọi là hạnh phúc. Những hạnh phúc như thế, trong đạo hay con đường tu tập tâm linh, được gọi là phần phụ, trợ duyên cho hạnh phúc nội tâm, thứ hạnh phúc hay cảm thọ chỉ có được do quá trình tu tập chuyển hóa tâm thức. Được sống chung và cùng tu tập là cơ hội giúp cho hành giả có thể cảm nhận được hạnh phúc ấy trong đời sống thường nhật của mỗi người.

Tổ đình Từ Lâm, Quảng Ngãi, là địa điểm an cư tập trung cho chư tăng trong và ngoài tỉnh thuộc môn phái. Năm nay là năm an cư thứ hai kể từ khi Tổ đình được phục hồi và sinh hoạt trở lại. Công việc tổ chức an cư được chuẩn bị chu đáo từ rất sớm nên mọi nhu cầu về đời sống sinh hoạt đều được đảm một cách tối đa. Hơn nữa, chương trình tu tập cũng được soạn thảo rất chu đáo và rất nghiêm túc nên hành giả có nhiều điều kiện thuận lợi để chuyên tâm phát huy năng lực tu tập của mình. Trong một môi trường thuận lợi về đời sống vật chất lẫn tinh thần thoải mái, cộng với số lượng chư tăng đông đảo, tất nhiên là đủ để cho mỗi hành giả cảm nhận được hạnh phúc của cuộc sống tu tập cộng trú. Điều cần đặt ra liệu hành giả có cảm nhận được thứ hạnh phúc an lạc khi cùng chung sống và tu tập trong môi trường an lành như thế hay không.


Tăng xá dành cho hành giả An cư

Câu hỏi đó cũng là câu hỏi chung của tất cả những ai quan tâm đến vấn đề an cư, mà cụ thể là những người đứng ra tổ chức và chính bản thân của những hành giả an cư. Mục đích chính yếu của việc an cư không ngoài câu đáp án là làm sao cho mọi người cùng được hưởng niềm an lạc ở mức đối đa. Thời đức Phật, sau ba tháng an cư, có rất nhiều hành giả chứng thánh quả A la hán (tức quả vị giải thoát sanh tử luân hồi khổ đau), hay chí ít cũng đạt được các quả vị khác làm nền tảng cho tiến trình giải thoát. Sở dĩ họ có được thành quả ấy là do sự nỗ lực hành trì tu tập miên mật của bản thân và sự trợ giúp đắc lực của các vị đạo sư, trong đó đức Phật – một nhà tâm linh siêu xuất - đóng vai trò rất quan trọng. Sự phối hợp nhịp nhàng diễn ra trong một môi trường hòa hợp cộng trú của một đoàn thể tăng già như thế ắt hẳn không thể nào không có kết quả tốt đẹp. Đó là một trong vô số điều mà chúng ta có thể nhìn lại và áp dụng để mỗi hành giả hôm nay cũng có thể đạt được sự an lạc dù là tối thiểu.


Tháp vọng Hòa thượng Khai sơn

Hạnh phúc trước tiên của việc cùng tu tập là được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau. Không ai trên cuộc đời này cho rằng mình là hoàn hảo không cần học thêm gì nữa từ người khác trừ phi người ấy “không bình thường.” Đã không thuộc hạng người đó thì tất nhiên hành giả ai cũng cần sự trau dồi học hỏi hàng ngày. Trong chúng có bao nhiêu người là hành giả có cơ hội được soi sáng bởi bao nhiêu tính cách khác nhau. Soi sáng bằng cách chọn lựa và áp dụng linh động những tính cách khác để tạo thành cái riêng của bản thân. Từ ‘soi sáng’ được dùng để nói rằng tất cả những hành động đúng hay sai từ người khác đều có thể phản chiếu vào trong tâm thức hành giả và giúp cho hành giả thấy được giá trị của từng cái để học tập cách làm theo hay từ bỏ. Như thế thì bất cứ hành động nào đối với hành giả tu tập vững đều có thể biến thành bài học mà không có một cản lực nào trong tâm phân biệt đúng sai làm bực tức hay phiền muộn. Đó là một cách học tập có chọn lọc mà mọi hành giả đều có thể thực hiện được. Ngoài ra, kinh nghiệm thì ai cũng có vì đó là sự trải nghiệm trên cuộc đời của mỗi người. Mỗi hành giả sẽ có những kinh nghiệm khác nhau và mức độ cạn sâu khác nhau. Cho nên ai cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập với nhau và ở điểm này, những bậc trưởng thượng là những người có nhiều kinh nghiệm và cũng là đối tượng cho hành giả hướng về học học hỏi nhiều nhất.

Hạnh phúc kế tiếp là được quan tâm nhắc nhở. Điều này mới nghe qua có vẻ lạ tai vì ít ai cho rằng được nhắc nhở là hạnh phúc, mà ngược lại còn là phiền phức và bực bội. Nỗ lực tu tập tự thân trong môi trường an cư là điều bắt buộc và cũng là hạnh phúc. Nó trở thành bắt buộc khi tâm hành giả không hài lòng với những sinh hoạt đó và có khuynh hướng lản tránh tìm đến hoạt động khác nhưng nó lại là hạnh phúc với những ai cảm thấy thích thú khi được hành trì như vậy. Phần lớn khi tập trung an cư hành giả đều mong muốn đạt được hạnh phúc thật sự từ nội tâm cho nên sự hành trì bằng cách phát nguyện “cúng dường thân tâm” tức tuân theo chương trình tu tập và tâm luôn hoan hỷ không kháng cự là rất hiệu quả. Bởi vì phát tâm như thế nên sự nhắc nhở nếu có là động lực thúc đẩy sách tấn hành giả thêm nỗ lực trong khi tu tập. Vả lại, khuynh hướng dễ duôi theo thói quen luôn là thách thức đối với sự tinh tấn. Nếu không được sự hỗ trợ của tăng chúng thì hành giả khó có thể tự giác hoàn toàn. Mà sự hỗ trợ này chỉ có thể xảy ra trong môi trường tập thể nên với hành giả cầu an lạc thì đó ắt hẳn là niềm hạnh phúc.

Hạnh phúc chia sẻ năng lượng tu tập khi an cư. Sống trong cộng đồng tất nhiên là có sự ảnh hưởng lẫn nhau dù muốn hay không. Trong một xóm bán thuốc bắc, hay xóm chợ cá, dù muốn hay không người ở trong ấy chắc chắn ảnh hưởng bởi mùi thơm hay hôi ấy. Cảm nhận bằng giác quan có thể dễ dàng hơn nhưng cảm nhận bằng tâm không phải là không thể có. Sống trong môi trường trong lành thanh tịnh, con người cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái là điều kiểm chứng được. Vậy thì, trong môi trường tu tập, năng lượng chuyển hóa tâm thức tỏa ra từ những vị chân tu hẳn nhiên sẽ tác động đến xung quanh và hành giả đều có thể cảm nhận được. Nó giống như trong một vườn hoa nếu có một đóa hoa thơm nở thì tất nhiên các loài hoa trong đó thơm lây. Hương của giải thoát tỏa ra từ năng lượng tu tập còn nhiệm mầu hơn nhiều và có khả năng ảnh hưởng chuyển hóa hơn nhiều. Điều này trong các kinh điển đức Phật đã đề cập. Đó là hạnh phúc nữa khi cùng cùng tu tập.

Tùy theo cách nhìn, mỗi hành giả sẽ có cảm nhận khác nhau về hạnh phúc khi cùng tu tập hoặc cao hoặc thấp. Nhưng có thể nói rằng niềm hạnh phúc ấy là có thật và hành giả tu tập chân chính đều có thể cảm nhận được. Người viết không có cơ hội sống chung hết khóa hạ nhưng những ngày lưu lại nơi trường hạ trước đây đã cảm nhận phần nào hạnh phúc ấy. Cầu mong rằng năm nay tất cả hành giả an cư tại Tổ đình sẽ có nhiều an lạc hơn nhờ sự hành trì miên mật và nhờ sư trợ duyên của chư tôn trưởng thượng. Hy vọng những hình thức rờm rà được giảm bớt để không làm mất nhiều thời gian cho việc hành trì tu tập và không làm nô lệ các giác quan thỏa mãn.

Bangkok, 07/09

No comments:

Post a Comment