Sunday, January 31, 2010

Tập làm Bồ tát

Hầu như, khi vào các ngôi chùa ở Việt Nam mọi người đều thấy hình tượng Bồ Tát Quán Âm lộ thiên. Đây là hình ảnh của một vị Bồ tát rất phổ biến trong lòng mọi người bởi lòng từ bi cứu độ chúng sanh vô lượng của Ngài. Hình ảnh ấy là bài học vô giá về giá trị đạo đức mà bao người cầu mong được gia hộ. Với đức tính ấy, chúng ta có thể thực hành được không và hành như thế nào?

Bồ tát là một danh xưng dùng để chỉ cho những vị thánh đệ tử Phật trong Phật giáo Đại thừa-người đang thực hành hạnh từ bi cứu độ chúng sanh. Bồ tát có nghĩa là “Giác Hữu Tình” là tự giác ngộ cho chính bản thân vượt qua mọi phiền não khổ đau và giúp cho tất cả chúng sanh cùng giác ngộ như mình. Với ý nghĩa trên thì bất cứ ai cũng khả năng trở thành Bồ tát, Bồ tát bằng xương thịt hiện hữu ngay trong cuộc sống này. Vậy chúng ta hãy tập làm bồ tát trong nhân gian.

Bồ tát Quán Âm với những câu chuyện “Quán Âm Thị Kính, Quán Âm Diệu Thiện” có lẽ Phật tử đều đã biết. Sở dĩ chú tiểu Thị Kính hay công chúa Diệu Thiện trở thành Bồ tát là vì lòng từ bi và sự nhẫn nhục cứu độ những người thân mê muội. Vì thực hành hạnh nguyện một cách trọn vẹn nên ngài trở thành Bồ tát lớn (Ma ha tát) và luôn là chỗ dựa tinh thần cho chúng sanh nương theo học tập. Và còn rất nhiều Bồ tát như vậy được miêu tả trong kinh Phật như Bồ tát Địa Tạng, Bồ tát Thường Bất Khinh…

Gần gũi hơn và dễ thấy hơn là Bồ tát Quảng Đức, một vị Bồ tát Việt Nam vì pháp thiêu thân để thức tỉnh chế độ độc tài giác ngộ trước những hành động sai trái của mình. Và mỗi vị thánh tử đạo là mỗi vị Bồ tát đóng góp cho sự giải phóng của dân tộc. Chư vị tiền bối, những bậc trưởng thượng vào đời hướng dẫn chúng sanh tu tập đều là những tấm gương của những Bồ tát sống động.

Như vậy, để trở thành Bồ tát thì hành giả phải thực hành đức tính từ bi cứu độ chúng sanh-một đức tính có sẵn trong mọi người. Thực hành đức tính ấy một cách hoàn mỹ thì thật khó nhưng ở cấp độ nhân sanh, thiết nghĩ tất cả chúng ta ai cũng có thể trở thành Bồ tát, một tiểu Bồ tát ở nhân gian.

Như trên đã nói, Bồ tát là ý niệm từ bi cứu đời. Một bác sĩ với lòng từ bi cứu bệnh nhân thoát khỏi cơn bịnh hiểm nghèo thì vị ấy là một một vị Bồ tát sống. Đối với bệnh nhân được cứu thì chắc chắn bác sĩ ấy là Bồ tát vì đã cứu đựơc mạng sống của mình thoát khỏi tử thần. Đây là bồ tát hiện thực ngay trong hiện tại mà vị ấy có thể thấy. Thầy giáo là Bồ tát đối với học sinh khi tận tâm giúp học trò vượt qua khó khăn trong học tập nhất là khi họ đủ khả năng vượt qua được những kì thi khó và có thể giúp ích cho xã hội. Một công chức là Bồ tát đối với dân khi vị ấy tận tuỵ trong công việc, hết lòng giúp đỡ, giải quyết những khó khăn của họ trong cuộc sống. Ở bất cứ vị trí nào trong xã hội, chúng ta đều có thể trở thành Bồ tát hiện thực. Đó là ý nghĩa Bồ tát Quán Âm thị hiện ngàn tay ngàn mắt và vô lượng thân để cứu độ chúng sanh. Chúng ta làm được một việc tốt là đang trở thành một ứng thân của Bồ tát rồi.

Đối với Phật tử, những hành giả học và hành theo con đường của Phật và Bồ tát thì cơ hội trở thành Bồ tát hiện thực rất gần trong gang tấc. Thông thường, Phật tử đi chùa thường cầu nguyện Bồ tát bên ngoài linh thiêng gia hộ để làm ăn giàu có, gia đình bình an…và sự cầu nguyện ấy trở thành thói quen ỷ lại và phó thác. Họ nghĩ rằng cúng dường một ít tài vật là đủ để được đáp ứng theo ý muốn. Do đó ở khắp nơi, nghe đồn chùa nào linh thiêng thì họ liền đến để cầu xin, để được Bồ tát thương xót vì sự khổ công lặn lội xa xôi để cầu nguyện của họ. Bồ tát lúc nào cũng linh thiêng nhưng dù có linh hiển cũng không thể giúp thay đổi gì cho họ ngoại trừ chính họ tự thay đổi mình qua lời dạy của Ngài.

Bồ tát dạy giáo lý nhân quả rõ ràng và bất cứ ai thực hành đúng như lời dạy của Ngài thì đều được an lạc. Chúng ta mong muốn hạnh phúc cho chính mình thì người khác cũng vậy. Do đó, tìm hạnh phúc cho mình trước hết phải không làm tổn thương người khác. Một lời nói, một cử chỉ với ý niệm thoả mãn lòng ích kỷ, ganh tỵ đều không thể đem lại an lạc và không phải là Bồ tát. Cuộc sống biết bao điều cần sự giúp đỡ của chúng ta. Một hành động với tâm niệm vì mọi người thì đó là việc làm của bồ tát cho dù chúng ta đang quét sân, cắm hoa hay đang nấu ăn, hay làm bất cứ điều gì. Một lời pháp giúp người khác vượt qua phiền muộn cũng là một Bồ tát hiện thân độ người vậy.

Những vị Bồ tát như thế xuất hiện càng nhiều thì cuộc sống càng an vui hạnh phúc. Không còn tâm niệm chúng sanh len lõi vào tâm thì mọi việc làm dù là gì và dù ở đâu cũng đều đem lại sự an vui cho cuộc sống. Chúng ta hãy đi tìm những Bồ tát linh thiêng như vậy để cầu nguyện hơn là tìm Bồ tát ở đâu xa. Hãy suy gẫm và mong rằng không có sự hiểu lầm về ý niệm bồ tát nhân gian. Cầu mong Bồ tát hiện thực thịnh trị xã hội chúng ta.

Mùa xuân lại về, cũng là dịp kỷ niệm đức Phật Bổn Sư thành đạo, Phật Di Lặc đản sanh. Tất cả mọi người đang tất bật để hoàn tất những việc cuối năm và hân hoan chào đón những niềm vui của năm mới. Tâm niệm hướng thượng trong mỗi con người như đang trổi đây và được chờ đợi biểu hiện thành những bông hoa cuộc sống. Hãy làm cho những bông hoa tươi đẹp của tâm hồn nở rộ để dâng lên cúng dường chư Phật và làm lợi lạc quần sanh.

No comments:

Post a Comment