Sunday, January 31, 2010

Suy nghĩ về An Cư

Trời lại đổ cơn mưa mang theo hơi mát làm giảm đi cái nóng của xứ “mặt trời”. Gọi là xứ “mặt trời” vì ở Bangkok mặt trời mọc sớm, lặn muộn và không khí khá nóng. Trời mưa mùa hạ gợi tôi nhớ những mùa mưa Sài Gòn, những mùa an cư nơi quê hương ân tình. Mùa an cư lại trở về là dịp để người con Phật cùng nhau quy hội về một nơi cùng tu tập, chia sẻ những kinh nghiệm và những kỉ niệm vui buồn trong thời gian hoằng pháp. Mùa an cư cũng là dịp để hàng Phật tử gieo duyên với tam bảo để mãi mãi là người Phật tử thuần thành với Phật pháp dù trong hoàn cảnh nào. Thật quý biết bao khi truyền thống an cư vẫn còn được tuân giữ đúng tinh thần Phật dạy.

Theo truyền thống Phật giáo Bắc tông, sau ngày kỉ niệm đức Bổn Sư Từ Phụ đản sanh là ngày vào hạ an cư của chư Tăng Ni. Thế là, bao chuyện hóa duyên tạm thời gát lại để tập trung vào công việc quan trọng: “quán sát tự tâm, suy tầm giáo nghĩa” nhằm kiểm soát và đánh giá lại quá trình hành đạo hay học tập thời gian qua và trau dồi kiến thức, kinh nghiệm để tiếp tục hành trình mới.

Thời đức Phật còn tại thế, mùa an cư là thời gian rất quan trọng đối với chư Tăng. Bởi vì, đó là thời gian chư Tăng hạn chế việc hóa duyên để tập trung tu tập và được gần gũi bậc đạo sư. Nhờ sự chuyên tâm và nhờ sự ảnh hưởng của bậc đạo sư cũng như các vị trưởng thượng mà cứ mỗi sau mùa an cư là có nhiều vị chứng đắc quả giải thoát và hầu hết đều được tăng trưởng phước huệ.

Nhận thức được tầm quan trọng và lợi lạc của pháp an cư nên truyền thống ấy được duy trì đúng theo tinh thần Phật dạy. An cư ngày nay không phải với ý nghĩa đơn thuần: “tránh giẫm đạm côn trùng mùa mưa” mà là “trụ thân, tịnh tâm, đình ý”. Vấn đề trụ thân để tạo điều kiện tốt cho việc “tịnh tâm và đình ý” mới là vấn đề cốt lõi của an cư và dù bất cứ ở đâu thời gian nào cũng phù hợp với lời Phật dạy cả. An cư là sống trong môi trường tốt và ổn định ít bị các chướng duyên làm trở ngại. Trong ba tháng ở một chỗ, có thể nói đó là môi trường khá tốt cho hành giả bởi mọi điều kiện đều thuận duyên. Nhờ đó, việc học tập trau dồi tri thức và kinh nghiệm được dễ dàng và thăng tiến.

Thời đức Phật, chư Tăng an cư hoặc là cùng với đức Phật hoặc chí ít cũng cùng với các bậc trưởng lão đã chứng đạo giải thoát. Như ý nghĩa của nó, an cư là để tu tập trau dồi trí tuệ. Do đó, đạo tràng an cư không thể thiếu hình ảnh chư vị tôn túc trưởng thượng đủ đạo hạnh và kinh nghiệm. Các vị tỳ kheo dễ chứng quả giải thoát hay đạt nhiều an lạc bởi vì được gần gũi với các bậc thầy trưởng thượng và được hướng dẫn trực tiếp từ các vị ấy. Yếu tố này rất quan trọng vì thiếu nó kết quả đạt được sẽ rất khiêm tốn. Một người học trò khó có cơ hội thành công nếu vị ấy không được sự hướng dẫn của các bậc thầy. Đôi khi vị ấy có thể đi lạc lối mà chính bản thân mình không hay biết.

Bậc đạo sư là những vị khai thông cho học trò những khi cần thiết. Quá trình ấy diễn ra có thể là khi học trò thỉnh vấn hay bậc đạo sư thấy được và chỉ dạy. Dù cách nào thì sự truyền dạy như vậy là cần thiết và rất hữu ích. Vì tính quan trọng đó mà các mùa an cư chư Tăng thường tìm về nơi đức Phật ở để nương tựa tu tập. Ngày nay, không còn Phật tại thế thì nơi nào có chư tôn túc thì nơi đó có thể lập đạo tràng cho chúng tăng nương tựa an cư. Chính Phật đã giúp cho Ngài Mục Kiền Liên và nhiều vị khác đúng lúc để trợ duyên cho các vị này chứng quả A-la-hán. Cũng vậy, hành giả tu tập cũng rất cần sự khai trí từ các vị giáo thọ trong quá trình tu tập. Làm sao bậc thầy có thể thấy rõ những điểm yếu của từng vị trong chúng mà hướng dẫn họ? Chỉ có cách sinh hoạt chung trong một đạo tràng thì mới có cơ hội nhìn thấy và khai thông, còn chỉ dạy gián tiếp thì kết quả thường là khiêm tốn.

Bên cạnh sự gần gũi bậc trưởng thượng, hành giả an cư còn có cơ hội trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau giữa đồng môn pháp lữ. Sẽ thật là hữu ích khi có sự hòa hợp, đoàn kết và hiểu nhau giữa các huynh đệ. Vì rằng có chia sẻ thì mới hiểu, mới cảm thông nhau. Chia sẻ ý tưởng là cách phổ biết để có thể truyền học lẫn nhau về kinh nghiệm cuộc sống. Có lẽ, không còn dịp nào tốt hơn và thuận lợi hơn là mùa an cư – dịp để hội họp và tu tập bên nhau. Nếu nơi nào duy trì và thực hành tốt “sự tự do tư tưởng” như đức Phật dạy thì nơi ấy hành giả an cư sẽ thấy được lợi lạc vô cùng.

Trong kinh “Thừa Tự Pháp” đức Phật dạy đệ tử của Ngài không nên kế thừa tài vật mà nên kế thừa giáo pháp. Rồi Ngài Xá Lợi Phất giảng giải rộng ra những pháp nên và không nên theo. Thừa hưởng ngũ dục, không nghe lời dạy của bậc đạo sư và lười biếng là ba điều Phật chê trách và không nên thừa kế. Sống tri túc, nghe lời dạy của bậc đạo sư và siêng năng tinh cần là điều đáng khen và nên kế thừa. Bài pháp đọc qua có vẻ đơn giản nhưng chứa đựng bao thâm ý ẩn tàng về giá trị giải thoát.

Đạo tràng an cư được mở với mục đích như đã nói là để “thúc liểm thân tâm trau dồi giới đức” đồng thời là nơi học tập giáo pháp. Hành giả an cư do đó là những người đệ tử đang kế thừa pháp chứ không phải tài vật. Kế thừa không chỉ diễn ra theo cách “cho-nhận” mà hơn nữa còn là một quán trình chuyển hóa nội tâm, một quá trình thực tập pháp đúng mực. Nguồn an lạc bắt nguồn từ pháp sẽ mãi mãi tuôn chảy từ người này sang người khác và nhiều thế hệ. Nguồn an lạc ấy không bị chi phối bởi định luật vô thường và không bao giờ gây khổ đau cho bất cứ chúng sanh nào. Cái gọi là hạnh phúc từ tài vật sẽ chóng tàn theo định luật sinh diệt và luôn là nguồn tội cho chúng sanh mê muội, bởi chúng sanh thường đắm vào đó mà tranh đấu quyền lợi. Do đó, Phật không bao giờ khuyên thừa kế loại hạnh phúc ấy.

Có thể nói một điều may mắn là nơi quê hương chúng ta có cơ hội để an cư tu tập trong thời gian dài như thế. Không có nơi nào trên thế giới mà cộng đồng Tăng Ni người Việt có thể an cư trong thời gian dài như vậy và nếu có thì đó là một điều hy hữu. Việc ấy cũng là một việc bình thường vì mỗi xã hội có những điều kiện hoàn cảnh khác nhau. Nói như vậy không có nghĩa là so đo tự ngã mà là nói lên một niềm hạnh phúc khi ta có cơ hội để thực hiện một truyền thống giá trị mà đức Phật đã dạy. Những người rời quê hương dù là định cư hay du học cũng đều ít có cơ hội như vậy.

Ở Thái Lan, mặc dù phái Annam nikaya (tức tông phái Phật giáo theo truyền thống bắc tông Việt Nam) vẫn tồn tại và sinh hoạt hơn hai trăm năm qua, vẫn còn duy trì pháp an cư hằng năm như ở Việt Nam nhưng nội dung và ý nghĩa không thực còn tồn tại. Điều trở ngại lớn nhất là do chư Tăng không thông ngôn ngữ Hán – Việt nên không nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của an cư cũng như các nghi thức hành trì. Dẫu sao còn giữ được dù chỉ là hình thức cũng là đáng quý vậy.

Những suy nghĩ về an cư được viết ra đây như là một sự bày tỏ cảm nghĩ hay một chút tình cảm của bản thân. Những suy nghĩ ấy hãy coi như là những lời chia sẻ cùng chư huynh đệ trong mùa an cư này. Đó là những tình cảm, những ưu tư có lẽ không riêng của một ai. Ánh bình minh đã rọi sáng trên đỉnh linh sơn bắt đầu một ngày mới. Mọi vật như hồi sinh sau một đêm trường yên nghỉ và giờ đây tiếp tục hành trình.

No comments:

Post a Comment