Sunday, January 31, 2010

Kiến Tạo Niềm Vui

Niềm vui là một trạng thái tâm lí mà chắc rằng ai cũng từng trải qua dù nhiều hay ít. Nó là một yếu tố giúp con người sống khỏe hơn, yêu đời, yêu cuộc sống hơn và sống có ý nghĩa hơn. Niềm vui rất cần thiết cho cá nhân, cộng đồng và xã hội vì nó có thể tạo ra sự lành mạnh, an bình trong cuộc sống. Niềm vui do đâu mà có và chúng ta có thể tạo ra niềm vui hay là do ai đó ban tặng cho mình? Câu trả lời xem ra không mấy khó khăn nhưng để bao quát đầy đủ thì cũng không phải dễ. Nhân đây, bài viết xin nêu vài suy nghĩ về vấn đề này thông qua bốn khía cạnh tâm lý và thực hành. Có thể những khía cạnh này chưa thật đầy đủ nhưng cũng đưa ra những nhân tố tương đối phổ quát.

Trước hết, chúng ta nói một chút về mặt đối lập của niềm vui, đó là nỗi buồn. Nỗi buồn là tâm lí chán nản, thất vọng, cô đơn khi chúng ta mong muốn điều gì đó mà không toại nguyện hay gặp những nghịch cảnh xảy ra với ta. Nó cũng có thể là do ta mất đi những người thân, bạn bè, tài sản, hay thậm chí do tự ti, mặc cảm. Nói chung, nỗi buồn do lòng tham không được thỏa mãn và một phần do hoàn cảnh khách quan tác động.

Ngược lại với nỗi buồn là niềm vui, là tâm lí thỏa mãn, vui sướng khi đạt được sở thích nào đó. Niềm vui thật đa dạng và mỗi người đều có niềm vui riêng bên cạnh những niềm vui chung. Cũng như nỗi buồn, niềm vui cũng xuất phát từ tâm của mỗi người thông qua ý chí và hành động, cộng với yếu tố môi trường xung quanh. Tuy nhiên, yếu tố ‘chủ quan’ vẫn là cái quyết định phần lớn niềm vui cho bản thân, thậm chí ngay cả khi yếu tố khách quan luôn không thân thiện. Bốn khía cạnh có thể đem đến niềm vui như sau:

Niềm Vui Của Tham Đắm

Phần lớn con người cho rằng niềm vui là khi thỏa mãn những nhu cầu về vật chất và cả tinh thần nhưng trong đó vất chất là quyết định. Thành đạt trong sự nghiệp là một niềm vui lớn và là ước mơ của nhiều người. Cho dù có khi phải trả giá khá đắt cho sự thành đạt nhưng họ vẫn an ủi cho mình bằng niềm vui đạt được mục đích ấy. Giàu sang có đầy đủ vật chất hiện đại, sang trọng là niềm vui vì có thể hãnh diện với bà con bạn bè khắp nơi. Dù rằng trong quá trình phấn đầu để đạt được mục đích này họ gặp không ít gian khổ, và khó khăn. Được hưởng thụ là niềm vui trong đó hưởng thụ sắc dục và vật dục được cho là hấp dẫn nhất và mãnh liệt nhất. Đây có lẽ là những điều cơ bản mà con người đều thừa nhận rằng nếu đạt được sẽ có niềm vui. Nó được chứng minh qua cuộc sống thực tiễn khi hầu như mọi người đang phấn đấu để giàu sang, thành đạt và bị cuốn theo sự hưởng thụ ấy. Nhìn chung, đây là loại niềm vui ở dạng ‘tâm tham đắm’ tức là mong muốn đạt được một điều gì đó, nó có thể là cái thấy được như tiền tài vật chất, nhưng nó cũng có thể là cái không thấy được như danh vọng, tiếng khen. Lắm khi, cái không thấy lại nguy hiểm hơn, đeo đuổi dai dẵng hơn và cũng chính là tác nhân cho sự đau khổ mà đôi khi người ta không thấy hay không muốn thấy. Do đó, niềm vui tham đắm được thừa nhận là có nhưng nó ngắn ngủi và chứa đựng mầm móng của nỗi buồn trong nó. Ở đây, tâm tham đắm được nhấn mạnh là nguyên nhân, hơn là chính vật chất.

Niềm Vui Xa Lìa (Viễn Li)

Trái với niềm vui của sự tham đắm thì có một loại niềm vui khác, niềm vui của sự xa lìa. Trong khi rất nhiều người trong xã hội tranh nhau để chạy theo niềm vui tham đắm dục lạc thì cũng có không ít người tìm niềm vui bằng con đường xa lìa dục lạc. Thái tử Tất-đạt-đa là một người xuất sắc nhất trong những người như thế trong lịch sử loài người. Với Ngài, có lẽ không có niềm vui dục lạc nào mà Ngài không có, nhưng Ngài thấy rằng đó là niềm vui tạm bợ, trói buộc con người nên Ngài đã xa lìa để tìm chân lí và sống đời sống viễn li. Ngài đã thành công và trở thành bậc giác ngộ, thấy rõ niềm vui hạnh phúc nhất là con đường xa lìa dục nhiễm, lìa tham đắm chấp trước. Cũng vậy, nếu nghiên cứu về các tôn giáo lớn khác chúng ta cũng thấy rằng chúa Jesus, Khổng Phu Tử hay Lão Tử cũng đều thực hành hạnh viễn li cả. Đặc biệt, chúng ta không thấy vị giáo chủ nào hưởng thụ dục lạc mà có thể thành tựu sự nghiệp giác ngộ và có thể đem an vui thật sự cho người khác.

Trong chiều dài lịch sử Việt Nam, chúng ta chứng kiến không biết bao nhiêu bậc thiền sư đạt được niềm vui giác ngộ khi sống xa lìa. Vị nổi bậc nhất phải kể đến là vị vua thiền sư Trần Nhân Tông. Ngài là bậc minh quân, bậc thiền sư khai sáng dòng thiền Trúc Lâm mang đậm ‘chất việt’ và được nhiều người quá yêu quý đã so sánh Ngài với Đức Phật Thích Ca. Con đường dẫn đến niềm vui này đã và đang có nhiều người học hỏi và thực tập. Tuy vậy cùng có nhiều người cho rằng đó là con đường buồn tẻ vì cô độc và thậm chí còn gán cho là cô đơn. Có lẽ vì do cách nhìn chủ quan cộng với thói quen tham đắm nên người ta cho rằng con đường xa lìa dục lạc là buồn chăng?! Và dù ai nói như thế nào, theo quan điểm nào thì thực tại niềm vui hạnh phúc vẫn hiện hữu trong những người đang thực hành hạnh viễn li. Đó là niềm vui của sự không chấp trước của tâm, của sự tự do của ý chí và hành động hướng đến sự cống hiến và giác ngộ giải thoát.

Nói niềm vui của sự xa lìa có vẻ cao siêu và trừu tượng quá, phải không?! Vậy thì ta hãy nói niềm vui gần gũi hơn, điều mà ai cũng có thể cảm nhận và thực hiện được.

Niềm Vui Được Nhận:

Niềm vui này chắc rằng ai cũng từng trải qua trong cuộc đời. Lúc nhỏ, khi mẹ đi chợ về ta nhận được vài viên kẹo, củ khoai hay bịch chè thì vui lắm. Khi lớn lên, chúng ta cũng vui không kém khi được nhận những món quà từ cha mẹ, anh em, bè bạn v.v... Những khi buồn ta nhận được lời an ủi động viên cũng là niềm vui. Khi ta thất nghiệp, được người giúp đỡ giới thiệu việc làm thì hạnh phúc lắm. Khi đói khát được nhận thức ăn nước uống thì còn gì bằng. Khi thiên tai bão lụt, nhận được món quà cứu trợ là niềm an ủi vì nó giúp ta vượt qua khó khăn. Trong một đời người, có rất nhiều thứ mà ta thọ nhận từ cuộc sống, từ những người xung quanh và từ môi trường sống nữa. Tuy nhiên, nhận có khi là niềm vui nhưng cũng có thể là nỗi buồn. Nó tùy thuộc vào thái độ, mục đích của sự nhận và một phần từ thái độ người cho. Nếu nhận với mục đích đáp ứng nhu cầu cần thiết và với thái độ tích cực thì đó là niềm vui. Có nghĩa là ta đang nghèo khổ ta cần sự giúp đỡ để vượt qua khó khăn, để phấn đấu sống tốt hơn trong tương lai thì được nhận là niềm vui. Ta đang đau khổ vì thất tình lục dục mà có người thân, bạn bè chia sẻ thì đó là niềm vui cần phải nhận. Thế nhưng cũng có người khi nhận không cảm thấy vui vì do thái độ người cho và do tâm so sánh, tự ty mặc cảm của bản thân người nhận. Nghĩ rằng ta bất tài vô dụng phải nhận của người khác thì người ấy không bao giờ có niềm vui khi nhận. Do vậy, nhận và nhận để làm điều gì có lợi ích thì ta nên vui hơn là mặc cảm tự ty. Những vị xuất gia (những vị khất sĩ) không phải đang nhận phẩm vật hằng ngày đó sao nhưng họ biết cách chuyển những thứ ấy thành sản phẩm khác làm lợi ích cho đời nên họ rất vui khi nhận và chính niềm vui ấy tạo phước báo cho người cúng dường. Nói cho cùng thì niềm vui phụ thuộc vào thái độ và mục đích của việc nhận. Tuy nhiên, không biết rằng khi nhận hối lộ người ta có vui không? Và nếu có thì nó thuộc về niềm vui của sự tham đắm vậy.

Niềm Vui Khi Cho

Cho hay bố thí cúng dường là hành động hiến dâng cái gì đó cho người cần nó hay đối tượng tôn kính. Cúng dường với tâm chân chính thì chắc chắn là có niềm vui. Vì nó thể hiện ý nguyện và lòng khát khao hay cao hơn là pháp tu tập của người thực hành. Cư sĩ Cấp Cô Độc rất vui khi ông được cúng dường trai tăng cho Phật và tăng đoàn nhân lần đầu tiên gặp Phật. Sau đó, ông dùng vàng lót để mua vườn của thái tử Kỳ Đà để cúng dường xây dựng tăng xá cho Phật và tăng đoàn. Hành động ấy là biểu hiện cao độ của niền vui khi được cúng dường. Cúng dường hay bố thí sẽ có niềm vui thật sự khi thái độ của người ấy vì người nhận hay nói cách khác là thể hiện tinh thần từ bi. Cúng dường Tam Bảo với thái độ thành kính và lòng biết ơn thì đó là niềm vui; còn với ý cầu mong đáp ứng thì niềm vui không trọn vẹn, lắm khi ưu sầu. Ở mức độ bình dân, chúng ta thường dùng từ cho hay giúp đỡ. Cho cũng là một nghệ thuật sống và ai biết nghệ thuật này thì sẽ có nhiều niềm vui khi thực hành hạnh ấy. Cho với thái độ kính trọng và trân quý thì niềm vui khó tả. Cho mà không có tâm mong cầu đền ơn hay không vì cầu danh thì phước báo và an vui lớn. Cho nên, ta thường nghe câu “của cho không quý bằng thái độ cho”. Nếu trân quý người khác thì khi có cơ hội giúp đỡ ta sẽ rất vui. Và nếu như niềm vui của người nhận một thì niềm vui của người cho gấp bội phần. Tinh thần Bồ tát dạy rằng: “nhờ có người nhận ta mới được cho, được hạnh phúc, và do đó ta phải cảm ơn họ.” Đọc qua câu ấy, ta thấy có vẻ ngược đời nhưng suy ngẫm sâu thì thật thấm thía.

Cho không chỉ là cho vật chất và cho không phải là điều khó khăn ta không làm được. Ai cũng có thể cho và cũng có cơ hội hưởng niềm vui khi cho. Một lời an ủi, một lời động viên khuyên cho người khác vơi bớt lo âu là ta đã cho rồi và vui rồi. Cho đến, tu tập tinh tấn đem lại an lạc cho bản thân và những người xung quanh cũng là cho đấy. Tôi xin kể một câu chuyện mà có lẽ nhiều người cũng từng gặp trong cuộc sống. Có một người ở trong hoàn cảnh khó khăn vì gia đình có người thân bị bịnh nan y. Mặc dù tiền tài vật chất có nhưng xem ra bịnh khó lành. Trong hoàn cảnh ấy, vị này cảm thấy sốc vì sự thay đổi nhanh và khủng hoảng vì sự lo âu. Thế rồi nhân duyên đưa đẩy, vị ấy gặp được một người biết Phật pháp nhưng chỉ muốn than van cho đỡ buồn thôi. Tuy nhiên, sau khi trao đổi một lúc, vị ấy cảm thấy được an ủi vì hiểu được phần nào sự thật cuộc đời và bắt đầu thay đổi thái độ sống như đã được hướng dẫn. Nhờ thay đổi thái độ, vị ấy đã đối mặt với hoàn cảnh, nỗ lực sống tích cực hơn, tạo phước báo nhiều hơn để thay đổi cuộc sống. Mặc dù hoàn cảnh chưa thay đổi ngay nhưng vị ấy đã có niềm vui do nhận ra giá trị cuộc sống và biết làm chủ cuộc sống. Quý vị có nghĩ rằng khi người nhận này có niềm vui thì người hướng dẫn họ sẽ vui gấp nhiều lần không?! Với tôi, điều đó là sự thật và tôi cũng có trải nghiệm.

Cuộc sống rất cần có niềm vui. Niềm vui ngắn hay dài, thật hay mộng đều xuất phát từ thái độ và việc làm của mỗi người chúng ta. Niềm vui của tham đắm bao giờ cũng là mầm mống của khổ đau, trong khi niềm vui ly dục là mục đích sống cao thượng mà các bậc thánh nhân khuyên dạy. Cho và nhận điều có thể đem đến niềm vui nhưng bao giờ sống vì mọi người cũng là niềm vui lâu hơn và ý nghĩa hơn. Cuộc sống đang rất cần sự đóng góp của tất cả mọi người và đó cũng là cơ hội để chúng ta trải nghiệm niềm vui. Thời gian đang tiến dần đến giờ khắc chuyển giao, và mọi người chuẩn bị đón nhận một năm mới. Bao ước mơ, bao hy vọng và niềm vui hạnh phúc đang dang tay chào đón chúng ta. Nhưng những ước mơ hy vọng hạnh phúc ấy luôn nhắc nhở chúng ta rằng để tiếp xúc với chúng thì hãy không ngừng bước tới và bước bằng những bước chân an lạc trong hiện tại. Bước chân an lạc là những bước chân vắng bóng của lòng tham lam, của tâm chấp trước và sự hận thù.

No comments:

Post a Comment